Thủ tục thôi Quốc tịch
1. Hồ sơ được lập thành 03 bản gốc, mỗi bản gồm:
- Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam cho người đã thành niên TP/QT-2020-ĐXTQT.1 (tải tại đây) hoặc cho người chưa thành niên TP/QT-2020-ĐXTQT.2 (tải tại đây); có dán ảnh chụp (4x6) (phông nền màu trắng, ảnh chụp không quá 06 tháng, mắt nhìn thẳng, không đeo kính màu, đầu để trần).
- 01 bản khai lý lịch theo mẫu TP/QT-2020-BKLL (tải tại đây), có dán ảnh chụp (4x6) (phông nền màu trắng, ảnh chụp không quá 06 tháng, mắt nhìn thẳng, không đeo kính màu, đầu để trần).
- Bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước Công dân hoặc giấy tờ khác chứng minh quốc tịch Việt Nam có công chứng, hợp pháp hóa hoặc gửi đến bản chính đến Đại sứ quán để xác nhận chứng thực. Sau khi được thôi quốc tịch Việt Nam phải nộp lại hộ chiếu Việt Nam để hủy giá trị sử dụng.
- (i) Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này; hoặc (ii) giấy tờ chứng minh đương đơn đã có quy chế thường trú hoặc quốc tịch nước ngoài. Các giấy tờ bằng tiếng Anh phải được dịch sang tiếng Việt, chứng thực, hợp pháp hóa hoặc được Đại sứ quán dịch, chứng thực.
- Trường hợp đương đơn từ 15 tuổi đến 18 tuổi phải có văn bản thỏa thuận về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên và được sự đồng ý của đương sự. Văn bản Thỏa thuận phải được công chứng hoặc chứng thực chữ ký trước mặt viên chức lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.
- Tất cả đơn và bản khai lý lịch đều phải ký trực tiếp, không sử dụng chữ ký sao chụp.
2. Lệ phí theo quy định và các khoản lệ phí chứng thực, hợp pháp hóa khi có yêu cầu Đại sứ quán dịch, công chứng hoặc xác nhận.
3. Thời hạn xử lý: Thông thường từ 6 tháng trở lên. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định của Chủ tịch nước về việc cho (hoặc không cho) thôi quốc tịch Việt Nam, Đại sứ quán sẽ thông báo cho Quý vị về kết quả thủ tục.
- Sau khi được Chủ tịch nước quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, CQĐD có văn bản thông báo cho đương đơn (nếu có yêu cầu văn bản chuyển ngữ sang tiếng Anh, Đại sứ quán Việt Nam sẽ dịch sang tiếng Anh và đóng dấu xác nhận).
Lưu ý: Trước khi nộp lại hộ chiếu, Chứng minh nhân dân, quý vị nên chụp lại để lưu hồ sơ cá nhân, vì các giấy tờ này có giá trị chứng minh nguồn gốc Việt Nam khi đề nghị cấp giấy miễn thị thực hoặc giấy xác nhận nguồn gốc Việt Nam sau này.