Du thảo Báo cáo Đại hội đảng VIIII: Chống tham nhũng


(Tiếp theo 8)
3- Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.
Tiến hành đấu tranh kiên quyết chống tệ tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành, từ trung ương đến cơ sở. Chống tham nhũng gắn với chống lãng phí, quan liêu, buôn lậu, đặc biệt chống các hành vi lợi dụng chức và quyền để sách nhiễu, tham ô, nhận hối lộ, làm giàu bất chính.

Để chống tham nhũng có hiệu quả, cần phải:

Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế - tài chính, quản lý tài sản công, ngăn chặn và khắc phục các sơ hở mà những kẻ xấu có thể lợi dụng để tham nhũng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục xóa bỏ các thủ tục phiền hà, nhất là ở những lĩnh vực, những khâu dễ xảy ra tham nhũng, sách nhiễu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát và thực hiện tính minh bạch, tính công khai trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, tài chính Đảng, đoàn thể, tài chính các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp và do nước ngoài viện trợ.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của từng đảng viên và từng chi bộ đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc giám sát, kiểm tra đảng viên, công chức, phát hiện, tố cáo những kẻ tham nhũng.

Xử lý kiên quyết, nghiêm minh theo pháp luật và theo Điều lệ Đảng những cán bộ, đảng viên, công chức ở bất cứ cấp nào, lĩnh vực nào lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu. Đồng thời có những biện pháp cụ thể bảo vệ những người kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, khen thưởng những người phát hiện đúng các vụ tham nhũng.

Thực hiện nghiêm những điều cấm đối với cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý. Cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị kê khai tài sản của cá nhân và gia đình mình (nhà đất, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cổ phiếu...). Kịp thời kiểm tra và có những biện pháp xử lý đối với những cán bộ, công chức có tài sản bất minh, nếu phạm pháp phải xử lý theo pháp luật.

Xem xét trách nhiệm hình sự hoặc có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở nơi xảy ra những vụ tham nhũng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức về chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng.

4- Cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước.
Đổi mới, kiện toàn tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng chính trị và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trọng tâm là đổi mới và tăng cường công tác lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Nâng cao chất lượng các đạo luật, hạn chế ban hành pháp lệnh và nghị định. Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành luật và hướng dẫn thi hành luật. Quốc hội làm tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, quyết định và phân bổ ngân sách nhà nước, giám sát các hoạt động của Chính phủ, của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Khẩn trương nghiên cứu, đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới.
Cải cách và kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hoá. Điều chỉnh chức năng và cải tiến phương thức hoạt động của Chính phủ theo hướng Chính phủ và bộ máy hành chính nhà nước thống nhất việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong cả nước; tăng cường quản lý vĩ mô các lĩnh vực hoạt động của xã hội bằng hệ thống pháp luật, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ. Chính phủ xây dựng thể chế, chỉ đạo và kiểm tra việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển tổng thể nền kinh tế quốc dân, giải quyết những vấn đề quan trọng mang tính liên ngành, liên vùng.

Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ theo hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Phân định rõ chức năng, thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công.

Cải cách tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương theo hướng kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Trên cơ sở đó, tổ chức hợp lý Hội đồng nhân dân; theo vị trí trách nhiệm của từng cấp hành chính, kiện toàn các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân.

Tăng cường phân công, phân cấp cho địa phương, nâng cao tính chủ động, thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa
phương. Xây dựng, kiện toàn bộ máy và cán bộ chính quyền cấp xã, phường có đủ phẩm chất và năng lực để quản lý, giải quyết đúng thẩm quyền những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Xây dựng, hoàn chỉnh và thực hiện thống nhất các chế độ, chính sách đãi ngộ đúng mức đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.

Cải cách và kiện toàn các cơ quan tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan và cán bộ tư pháp trong công tác điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử, không để xảy ra những trường hợp oan, sai. Các cơ quan và cán bộ tư pháp phải gương mẫu trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Điều chỉnh chức năng, nâng cao chất lượng hoạt động của viện kiểm sát nhân dân bảo đảm thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Sắp xếp lại hệ thống tòa án nhân dân, phân định hợp lý thẩm quyền của tòa án các cấp. Tăng cường đội ngũ thẩm phán và hội thẩm nhân dân cả về số lượng và chất lượng.
Tòa án nhân dân tối cao làm nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn các toà án áp dụng thống nhất pháp luật và thực hiện công tác giám đốc các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Tổ chức lại cơ quan điều tra theo nguyên tắc gọn đầu mối. Kiện toàn cơ quan thi hành án, thành lập cảnh sát tư pháp. Cải cách và kiện toàn các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp.
5- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, có đạo đức, có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Cải cách và hoàn thiện chế độ công vụ, quy chế cán bộ, công chức, coi trọng cả năng lực và tinh thần phục vụ, trách nhiệm và quyền hạn, tạo cơ hội cho những người có đủ điều kiện được tuyển dụng làm cán bộ, công chức.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, về đường lối, chính sách, về kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Kiện toàn hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, kể cả cán bộ xã, phường.
Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh, tiêu chuẩn. Thực hiện tinh giản biên chế.
Ban hành các thể chế và tổ chức kiểm tra tài sản của cán bộ, công chức; quy định chặt chẽ chế độ, tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, chống lãng phí, đặc quyền, đặc lợi.
X- Xây Dựng, Chỉnh Đốn Đảng, Nâng Cao Năng Lực Lãnh Đạo Và Sức Chiến Đấu Của Đảng.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Từ Đại hội 8 đến nay, Đảng ta đã có nhiều cố gắng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế. Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá 8 đã ra Nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng; mở cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua gần hai năm thực hiện, đã thu được một số kết quả và có những kinh nghiệm bước đầu, góp phần củng cố một bước đội ngũ cán bộ các cấp, tăng cường sức mạnh của tổ chức đảng; hạn chế, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực, xử lý kỷ luật một số cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất; cải thiện được quan hệ với nhân dân. Song cuộc vận động chưa đạt yêu cầu đề ra.

Trong Đảng, bên cạnh những ưu điểm, đang nổi lên một số khuyết điểm chủ yếu sau đây:

Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, tệ tham nhũng, quan liêu ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Chưa tạo được sự nhất trí cao đối với một số quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một số tổ chức đảng ở các cấp, nhất là ở cơ sở, chưa được chỉnh đốn; dân chủ bị vi phạm, kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, nội bộ không đoàn kết; chất lượng sinh hoạt Đảng giảm sút. Công tác cán bộ còn một số biểu hiện trì trệ, chưa bảo đảm được yêu cầu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, kiến thức các mặt và năng lực thực tiễn của cán bộ. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tuy đã có tiến bộ nhưng còn lúng túng, bất cập; chưa đi sâu làm rõ đặc điểm và yêu cầu về sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, chưa phát huy đầy đủ hiệu lực quản lý của các cơ quan Nhà nước, tính tích cực của các đoàn thể và quyền làm chủ của nhân dân. Tổ chức chỉ đạo thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước còn là khâu yếu.

Những khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng trực tiếp và chủ yếu là do:

- Nhiều cấp uỷ và tổ chức đảng, kể cả Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng chỉ đạo chưa thật tập trung và kiên quyết; chủ trương, biện pháp thiếu đồng bộ; chưa quan tâm đúng mức chỉ đạo kết hợp tiến hành tự phê bình và phê bình với kiện toàn tổ chức, đổi mới cơ chế, chính sách, chỉnh đốn các khâu quản lý kinh tế, tài chính, kiểm tra và tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên v.v...

- Chỉ đạo thực hiện sinh hoạt đảng theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa có nền nếp. Chậm bổ sung, cụ thể hoá và hoàn thiện các quy định về thực hiện Quy chế dân chủ, Pháp lệnh công chức, về những điều đảng viên và công chức không được làm.

- Chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác kiểm tra, thanh tra, sự giám sát của nhân dân và công luận; chưa làm tốt việc dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

- Công tác tư tưởng trong Đảng thiếu sắc bén, chậm được đổi mới. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa được tăng
cường đúng mức để nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất trong Đảng về quan điểm, đường lối của Đảng.

- Không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo các cấp mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, tham vọng quyền lực, danh lợi, cục bộ, bản vị, chưa gương mẫu rèn luyện bản thân, chưa tự giác và nghiêm túc thực hiện các nghị quyết và Điều lệ của Đảng.
(Còn tiếp)