Du thảo Báo cáo Đại hội đảng VIIII: Chiến luoc xã hội




(Tiếp theo 5)
Kinh tế cá thể, tiểu chủ cả ở nông thôn và thành thị được Nhà
nước tạo điều kiện và giúp đỡ để phát triển năng động. Các trang trại phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp hoặc phát triển lớn hơn.

Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động; liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Xây dựng quan hệ tốt giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.

Phát triển kinh tế tư bản nhà nước dưới các hình thức liên doanh, liên kết giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư bản tư nhân trong nước và ngoài nước, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên đầu tư kinh doanh.

Tạo điều kiện để kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển thuận lợi, hướng vào mục tiêu phát triển các sản phẩm xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thu hút công nghệ hiện đại, tạo thêm nhiều việc làm. Cải thiện môi trường kinh tế và pháp lý để thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Phát triển các hình thức tổ chức kinh doanh đan xen, hỗn hợp nhiều hình thức sở hữu, giữa các thành phần kinh tế với nhau, giữa trong nước và ngoài nước.
Phát triển mạnh hình thức tổ chức kinh tế cổ phần nhằm huy động và sử dụng rộng rãi vốn đầu tư xã hội.
3- Tiếp tục tạo lập đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường; tăng cường vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước.
- Thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt quan tâm các thị trường quan trọng nhưng hiện chưa có hoặc còn sơ khai như: thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học-công nghệ.
Phát triển thị trường hàng hoá và dịch vụ, phát huy vai trò nòng cốt, định hướng và điều tiết của kinh tế nhà nước trên thị trường. Đáp ứng nhu cầu đa dạng và nâng cao sức mua của thị trường trong nước, cả ở thành thị và nông thôn, chú ý thị trường các vùng có nhiều khó khăn. Mở rộng thêm thị trường mới ở nước ngoài. Xác định thời hạn bảo hộ hợp lý và có hiệu quả đối với một số sản phẩm quan trọng, tích cực chuẩn bị để mở rộng hội nhập thị trường quốc tế. Xoá bỏ độc quyền kinh doanh của các doanh nghiệp lớn.
Mở rộng thị trường lao động trong nước có sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước, bảo vệ lợi ích của người lao động và của người sử dụng lao động; đẩy mạnh xuất khẩu lao động có tổ chức và có hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách để tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người lao động tự tìm việc làm, nâng cao trình độ, đào tạo lại, học nghề mới.
Khẩn trương tổ chức thị trường khoa học - công nghệ và thực hiện tốt bảo hộ sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ về thông tin, chuyển giao công nghệ.
Phát triển nhanh thị trường vốn, nhất là thị trường vốn dài hạn và trung hạn. Tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán an toàn, hiệu quả. Hình thành đồng bộ thị trường tiền tệ; tăng khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam.
Chủ động tổ chức, phát triển thị trường bất động sản. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân; cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Trong 5 năm tới hình thành tương đối đồng bộ cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những yếu kém hiện nay, gỡ bỏ những vướng mắc cản trở sự phát triển. Đổi mới sâu rộng cơ chế quản lý kinh tế, phát huy những yếu tố tích cực của cơ chế thị trường, triệt để xoá bỏ bao cấp trong kinh doanh, tăng cường vai trò quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước, đấu tranh có hiệu quả chống các hành vi tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, gây phiền hà.
Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh và hợp tác để phát triển; bằng chiến lược, kế hoạch và chính sách kết hợp với sử dụng lực lượng vật chất của Nhà nước để định hướng phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hợp lý các nguồn lực của đất nước, bảo đảm cân đối vĩ mô nền kinh tế, điều tiết thu nhập; kiểm tra, kiểm soát mọi hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục đổi mới các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế.

Đổi mới hơn nữa công tác kế hoạch hoá, kết hợp thị trường với kế hoạch, nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác thông tin kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, công tác thống kê; ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học - công nghệ trong công tác dự báo, kiểm tra tình hình thực hiện ở cả cấp vĩ mô và doanh nghiệp.

Bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong chi ngân sách nhà
nước. Phân cấp mạnh đi đôi với tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thu và chi ngân sách địa phương. Tăng tỉ lệ chi ngân sách theo tốc độ tăng trưởng kinh tế và hiệu quả quản lý kinh tế, tài chính. Tăng chi ngân sách cho các mục tiêu xã hội trọng điểm. Nâng cao hiệu quả các chương trình quốc gia, tập trung vốn cho các chương trình trọng điểm, thực hiện có kết quả chương trình giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn.

Nhà nước đầu tư vốn phát triển từ ngân sách nhà nước căn cứ vào hiệu quả kinh tế - xã hội theo phương thức thông qua các công ty đầu tư. Chuyển cơ chế phân bổ nguồn vốn vay nhà nước mang tính hành chính sang cho vay theo cơ chế thị trường, xoá bỏ bao cấp thông qua tín dụng đầu tư. Hoàn thiện phương thức quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, cải cách các thủ tục, phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch trong thực hiện các dự án đầu tư. Tăng cường quản lý nợ chính phủ; hoàn thiện chính sách quản lý nợ nước ngoài cho phù hợp với tình hình mới.

Tiếp tục cải cách hệ thống thuế phù hợp với tình hình đất nước và các cam kết quốc tế; đơn giản hoá các sắc thuế; từng bước áp dụng hệ thống thuế thống nhất, không phân biệt đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Nuôi dưỡng nguồn thu và thu đúng, thu đủ. Hiện đại hoá công tác quản lý thuế của Nhà nước.

Xây dựng hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước thành những doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ có uy tín, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Xoá bỏ sự can thiệp hành chính của các cơ quan nhà
nước đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại nhà nước. Mở rộng khung và tiến tới xoá bỏ quy định khung lãi suất; từng bước thực hiện tự do hoá lãi suất đi đôi với việc hình thành thị trường tiền tệ hoạt động theo quan hệ cung - cầu. Nâng cao năng lực giám sát của Ngân hàng nhà nước và công tác kiểm tra nội bộ của các ngân hàng thương mại. Thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt theo cung cầu ngoại tệ, từng bước thực hiện tự do hoá tỷ giá hối đoái trong sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Tách tín dụng
ưu đãi khỏi tín dụng thương mại.

4- Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thực hiện các chính sách xã hội hướng vào phát triển và lành mạnh hoá xã hội, thực hiện công bằng trong phân phối, bình đẳng trong các quan hệ xã hội, khuyến khích nhân dân làm giàu chính đáng và hợp pháp; điều tiết các quan hệ xã hội do tình trạng phân hoá giàu nghèo gây ra, khắc phục dần sự cách biệt giữa thành thị với nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi.

Giải quyết việc làm là một trong những chính sách xã hội cơ bản của quốc gia. Bằng nhiều giải pháp, hàng năm tạo ra hàng triệu việc làm mới, tận dụng số ngày công lao động chưa dùng đến, nhất là trên địa bàn nông thôn và nông nghiệp. Các thành phần kinh tế mở mang các ngành nghề, các cơ sở sản xuất, dịch vụ có khả năng sử dụng nhiều lao động. Khôi phục và phát triển các làng nghề, đẩy mạnh phong trào lập nghiệp của thanh niên và việc đào tạo lao động có nghề đáp ứng nhu cầu trong nước và để xuất khẩu lao động v.v... Sớm xây dựng và thực hiện chính sách trợ cấp cho người lao động thất nghiệp. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước được tự chủ trong việc trả lương và tiền thưởng trên cơ sở hiệu quả của doanh nghiệp và năng suất lao động của mỗi người. Nhà nước và xã hội tôn trọng thu nhập hợp pháp của người kinh doanh.

Cải cách cơ bản hệ thống tiền lương đối với công chức nhà nước theo hướng: thực hiện tiền tệ hoá đầy đủ tiền lương; điều chỉnh tiền lương tương ứng với nhịp độ tăng thu nhập trong xã hội; hệ thống thang bậc lương bảo đảm tương quan hợp lý, khuyến khích người có tài, người làm việc giỏi.

Chương trình xoá đói, giảm nghèo được thực hiện thông qua những biện pháp cụ thể, sát với tình hình từng địa phương để xoá nhanh các hộ đói, giảm mạnh các hộ nghèo, tiếp tục tăng tổng nguồn vốn xoá đói, giảm nghèo, mở rộng các hình thức tín dụng phục vụ người nghèo sản xuất, kinh doanh. Thực hiện các chính sách xã hội nhằm tạo ra sự an toàn trong cuộc sống cho mọi thành viên của cộng đồng, bao gồm bảo hiểm xã hội cho mọi
người lao động thuộc các thành phần kinh tế, cứu trợ xã hội những người gặp hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh.

Thực hiện chính sách ưu đãi xã hội và vận động toàn dân thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với những người có công với nước, các vị lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và cha mẹ, vợ con liệt sĩ, gia đình chính sách.

Đẩy mạnh việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở nông thôn như trường học, trạm y tế, điện, nước sạch, chợ và đường giao thông. Đầu tư mạnh hơn cho những xã đặc biệt khó khăn. Nhà
nước có chính sách khuyến khích cán bộ khoa học-kỹ thuật đến các vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo.

Chính sách dân số nhằm chủ động kiểm soát quy mô dân số và từng bước nâng cao chất lượng dân số phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình; giải quyết tốt mối quan hệ giữa quy mô dân số với chất lượng dân số, giữa cơ cấu dân số, phân bố dân cư hợp lý với quản lý dân số và phát triển nguồn nhân lực.

Chính sách bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là sức khoẻ của trẻ em, cần được thực hiện đồng bộ, nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và phát triển giống nòi. Từng bước củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở. Thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ; đổi mới cơ chế và chính sách viện phí; có chính sách trợ cấp và bảo hiểm y tế cho người nghèo, từng bước tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Nhà nước ban hành chính sách quốc gia về y học cổ truyền. Phát triển mạnh các cơ sở khám, chữa bệnh theo y học cổ truyền ở tuyến cơ sở. Thực hiện có chất lượng sự kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền từ khâu đào tạo đến khâu khám bệnh và điều trị. Từng bước hiện đại hoá các cơ sở sản xuất tân dược và đông dược, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng dược phẩm, ngăn chặn nạn thuốc giả trên thị trường. (Còn tiếp)