Bình đẳng giới trong công tác kế hoạch hoá gia đình



Hà Nội (Ttxvn 30/1/2001)
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm làm giảm sức ép của sự gia tăng dân số để sớm ổn định dân số ở mức hợp lý, việc giải quyết đồng bộ, từng bước và có trọng điểm từng yếu tố của chất
lượng, cơ cấu dân số và phân bổ dân số nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010.

Trong đó, chiến lược xác định: cần xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội để nâng cao vị thế và quyền năng cho phụ nữ. Khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm trong chăm sóc Sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, trong công việc gia đình và nuôi dạy con. Tạo sự bình đẳng về chăm sóc y tế, cơ hội học hành cho trẻ em gái và phụ nữ. Việc thu hút sự tham gia của nam giới vào các vấn đề sức khỏe sinh sản là hết sức quan trọng. Vì vậy công tác tuyên truyền vận động phải làm như thế nào để nam giới cùng với vợ trao đổi và gánh vác trách nhiệm trong các quyết định về số con, về thời điểm sinh và khoảng cách giữa các lần sinh, cùng nhau quyết định lựa chọn và thực hiện những biện pháp thích hợp và chia xẻ trách nhiệm trong việc chăm sóc nuôi dạy con cái.

Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản trên là "nâng cao dân trí, tăng cường vai trò gia đình và bình đẳng giới".

Theo đó, việc phát triển quy mô và nâng cao chất lượng, đưa giáo dục dân số vào trong các trường phổ thông, đại học và trên đại học và dạy nghề đã được đưa vào trong đề án "tăng cường giáo dục dân số-sức khỏe sinh sản trong ngành giáo dục-đào tạo". Đề án có mục tiêu dài hạn là góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược dân số ở giai đoạn 2 từ năm 2000-2010 nhằm nhanh chóng ổn định dân số một cách toàn diện; nhằm tạo cơ hội cho người học có nhận thức và thái độ đúng đắn về các vấn đề dân số, sức khỏe sinh sản. Trên cơ sở đó, cả người dạy và người học có hành vi tương ứng tích cực hơn.

Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam trong thời gian qua còn một số bất cập. Do quá bức xúc về sự gia tăng dân số quá nhanh ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong thời gian qua mới tập trung và giảm mức sinh thông qua Kế hoạch hóa gia đình nhằm hạn chế tốc độ gia tăng quy mô dân số, chưa chú trọng nhiều đến các khía cạnh khác của vấn đề dân số như chất lượng cơ cấu dân số và phân bổ dân cư. Các nội dung khác của chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới... cũng chưa được chú trọng thích đáng.

Trên thực tế vẫn có khoảng cách giữa lời nói về việc lôi cuốn nam giới và các chương trình Kế hoạch hóa gia đình sức khỏe sinh sản dành cho phụ nữ. Theo kết quả điều tra nhân khẩu học nhiều vòng và Kế hoạch hóa gia đình (1/10/1996) trong tổng số 52% các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại chỉ có 4,7% sử dụng bao cao su; 0,57% triệt sản nam. Còn những vị được coi là môn đồ của phương pháp truyền thống hoặc phương pháp tự nhiên lại không hề tìm hiểu cặn kẽ về phương pháp mình dùng, kết quả là có đến một nửa số chị em phải nạo hút thai là do lỗi của các ông chồng. Số lượng triệt sản nữ gấp 11 lần triệt sản nam.

Sự bất bình đẳng giới trong lĩnh vực Dân số/sức khỏe sinh sản còn được thể hiện qua yếu tố tâm lý là sự "yêu thích con trai". Nói cách khác, một bộ phận phụ nữ không có quyền tự quyết định về số con, thời gian sinh con và khoảng cách sinh do sức ép của chồng, của gia đình chồng khát khao con trai; trong trường hợp này thì quyền sinh sản do nam giới quyết định. Không hiếm những phụ nữ do không sinh con trai nên đã phải chịu những bất hạnh trong cuộc sống, thậm chí gia đình bị tan vỡ./.