Công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2000 và phuong huong 2001
Năm 2000 là năm Việt Nam kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến sôi động và phức tạp, hoạt động đối ngoại của Việt Nam tập trung vào các hướng chủ yếu sau đây:
1. Tiếp tục đẩy mạnh chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, ưu tiên các nước láng giềng ở khu vực. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có bước phát triển mới, tăng cường cả chiều rộng lẫn chiều sâu theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Quan hệ hữu nghị đặc biệt với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được củng cố và phát triển. Quan hệ hữu nghị láng giềng tốt với Vương quốc Cam-pu-chia tiếp tục được củng cố với việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Trên
cương vị Chủ tịch Uỷ ban thường trực ASEAN (ASC) và Chủ tịch Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) từ tháng 7/2000, Việt Nam đã tập trung vào việc thực hiện Chương trình hành động Hà Nội đã
được ASEAN thông qua; thay mặt ASEAN điều hành các hoạt động liên quan đến hợp tác chính trị-an ninh, chuyên nghành và quan hệ đối ngoại của Hiệp hội. Bên cạnh quan hệ đa phương, quan hệ song phương giữa Việt Nam với từng nước ASEAN cũng có những bước phát triển mới. Quan hệ với các nước Đông á và Nam Thái Bình Dương cũng có những tiến triển tích cực. Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Nhật Bản khẳng định tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với Việt Nam. Cầu Mỹ Thuận là một công trình thể hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a.
2. Tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và tích cực mở rộng quan hệ với các nước châu á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh. Việt Nam tiếp tục chính sách phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Cu Ba, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nhân dân Cu Ba anh em chống chính sách bao vây cấm vận. Quan hệ với các nước SNG, Đông Âu, Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên và ấn Độ trong năm qua đã có những phát triển mới. Nhiều vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều chuyến thăm đến các nước trong khu vực này. Với Liên bang Nga, Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Đây là một ưu tiên và định hướng chiến lược lâu dài trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Quan hệ với các nước Mỹ La tinh, Châu Phi, Trung Đông năm qua cũng có tiến triển mới. Lãnh đạo cấp cao nhiều nước Châu Phi và Trung Đông đã đến thăm Việt Nam. Việt Nam đã mở Đại sứ quán tại Nam Phi, Bra-xin và Tổng Lãnh sự quán tại Pa-na-ma. Mê-hi-cô đã mở lại Đại sứ quán ở Hà Nội.
3. Tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ theo hướng tăng cường quan hệ hợp tác, mở rộng thị trường, tranh thủ vốn đầu tư, khoa học, công nghệ. Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) cũng như quan hệ song phương với các nước Tây Âu, Bắc Âu, cố gắng đưa hợp tác đi vào chiều sâu. Chuyến thăm Pháp, I-ta-li-a và Uỷ ban châu Âu (EC) của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các
nước này. Quan hệ với Hoa Kỳ có bước tiến mới quan trọng với cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Chủ tịch Trần Đức Lương và Tổng thống Hoa Kỳ B. Clin-tơn trong dịp Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ tại Niu-oóc, chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ và việc hai nước ký Hiệp định Thương mại.
4. Trong năm qua, ngoại giao đã rất chú trọng vào việc phục vụ cho phát triển kinh tế, xây dựng đất nước và đã đạt được một số kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh (ước tăng 21,3% so với năm 1999), thu hút được đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển chính thức ODA. Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2000 tại Hà Nội, các nước tài trợ và các tổ chức quốc tế nêu dự kiến ủng hộ khoảng 2,4 tỷ USD cho các
chương trình xoá đói, giảm nghèo và phát triển của Việt Nam.
5. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Với tư cách là thành viên ASEAN và APEC, Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết song phương với các nước cũng như các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Diễn đàn Kinh tế châu á-Thái Bình Dương (APEC). Cho đến nay, Việt Nam đã tiến hành 4 vòng đàm phán về việc gia nhập WTO.
6. Hoạt động ngoại giao đa phương đã được tăng cường, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong năm qua các vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam đã tham dự và đóng góp tích cực vào thành công của nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng như Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ tại Niu-oóc, Hội nghị cấp cao các nước phương Nam tại La-ha-ba-na, Hội nghị cấp cao UNCTAD-10 tại Băng Cốc, Hội nghị cấp cao không chính thức ASEAN tại Xinh-ga-po, Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước tại Niu-oóc, Đại hội đồng AIPO tại Xinh-ga-po. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Theo tinh thần đó, phương hướng hoạt động đối ngoại năm 2001 của Việt Nam là:
Tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở và chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế theo phương châm "Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vị hoà bình, độc lập và phát triển"
Tiếp tục mở rộng quan hệ với tất cả các nước, trước hết là các
nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè có quan hệ truyền thống và các tổ chức khu vực và quốc tế.
Tích cực thúc đẩy công tác đối ngoại phục vụ kinh tế.
Đảm nhận thành công vai trò của Việt Nam trong hoạt động ngoại giao đa phương, trước hết là vai trò chủ tịch Uỷ ban Thường trực ASEAN (ASC) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Tăng
cường hơn nữa và nâng cao hiệu quả của các hoạt động ngoại giao đa phương.
Tiếp tục chủ động tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, trong đó coi trọng lộ trình gia nhập WTO và tham gia AFTA./.