Đại sứ Nguyễn Quốc Cường thăm và làm việc tại Minnesota và Wisconsin
Ngày 12-16/4/2012: Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã thăm và làm việc tại hai bang Minnesota và Wisconsin với các chặng dừng chân ở Twin Cities, La Crosse và Madison.
Tại Minnesota, Đại sứ Cường đã gặp và làm việc với Thống đốc bang Mark Dayton, Hạ nghị sĩ Erik Paulsen, thành viên của Hội đồng thương mại thành phố St Paul, trụ sở làm việc của các công ty Cargill, 3M và Medtronics. Tại Wisconsin, Đại sứ gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp tiểu bang Ben Branton, Bộ Tài chính Richard Chandler, Văn phòng Phát triển Kinh tế Paul F. Jadin, các thành viên của Hội đồng Công nghiệp Sản xuất Wisconsin và Ủy ban Nông nghiệp Wisconsin. Đại sứ Cường cũng đã đi thăm trường Đại học Wisconsin – La Crosse và Đại học Wisconsin – Madison.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường và các đối tác đã trao đổi nhiều vấn đề, bao gồm tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam, triển vọng quan hệ Mỹ - Việt, hợp tác trong khu vực ASEAN, khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, kể cả triển vọng thiết lập Mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đại sứ vui mừng nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp ở Minnesota và Wisconsin đã thiết lập được mối quan hệ thương mại và đầu tư đang ngày càng phát triển với Việt Nam. Đại sứ đã mời Chính quyền tiểu bang và cộng đồng doanh nghiệp thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Tại UW-L và UW-M, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đánh giá cao thành tích học tập tốt và sự đóng góp tích cực cho hoạt động chung của nhà trường của các sinh viên Việt Nam. Một trong những sinh viên xuất sắc là Võ Hoàng đã nhận được giải thưởng Sinh viên xuất sắc nhất toàn khóa cho thành tích học tập xuất sắc và tích cực hoạt động xã hội. Cũng trong dịp này, Đại sứ đã trao quyết định thành lập Hội Sinh viên Việt Nam trường Đại học UW-L và tham dự Liên hoan Quốc tế thường niên lần thứ 47 của trường. Đại sứ đã đi thăm Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của trường UW-M và nghe giới thiệu về các chương trình hợp tác và hoạt động nghiên cứu của Trung tâm với Việt Nam, trong đó có chương trình dạy tiếng Việt, khảo cổ học và trao đổi giảng viên.