Tìm nguồn dầu mới và phát triển dịch vụ dầu khí



Hà Nội (Ttxvn 16/3/2001)
Theo dự báo của các chuyên gia dầu khí, từ nay đến năm 2005 sản lượng dầu thô của Việt Nam có thể đạt 16 triệu tấn/năm, sau đó sẽ giảm rất nhanh nếu không tìm kiếm thêm được những nguồn dầu mới.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khả năng phát hiện những mỏ dầu lớn như Bạch Hổ ở Việt Nam rất thấp và chỉ có thể còn những mỏ nhỏ, trữ lượng ít.

Tổng giám đốc Tổng công ty dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Nhậm cho biết, trước mắt Petrovietnam sẽ đề xuất với Chính phủ các biện pháp khuyến khích đầu tưu nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí, xúc tiến thành lập quỹ rủi ro tìm kiếm và thăm dò dầu khí, để tạo điều kiện cho Petrovietnam vay vốn tự đầu tư thăm dò trong nước, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Hồng và đầu tư tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở nước ngoài. Những thị trường dầu mỏ có khả năng thâm nhập là Indonesia, Brunei, Mông Cổ, Libi và các nước Sng.

Theo ông Nguyễn Giao, Tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt-xô (Vietsovpetro), cùng với việc tập trung thăm dò kỹ để tăng trữ lượng mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng bằng phương pháp khoan chẻ nhánh, Vietsovpetro đã đề xuất với Tổng công ty dầu khí Việt Nam cho phép chuẩn bị phương án khoan thăm dò tầng đá móng ở mỏ Đại Hùng. Xí nghiệp tiến hành hiện đại hóa công nghệ khai thác ở các mỏ để nâng hệ số thu hồi dầu lên mức 40-50% nhằm tận thu tài nguyên và duy trì sản lượng khai thác ở mức cao hơn. Vietsovpetro đang nghiên cứu khả năng tham gia các dự án vay vốn đầu tư tìm kiếm thăm dò ở những lô có tính rủi ro thấp.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có trữ lượng dồi dào về khí ở mỏ Bạch Hổ, bể khí Nam Côn Sơn, Cửu Long, Malay-thổ Chu, nếu được đầu tư khai thác và mở được thị trường tiêu thụ thì có thể thay thế được phần nào sự sụt giảm dầu thô.

Sắp tới, giàn nén khí trung tâm thu gom khí đồng hành ở mỏ Bạch Hổ cung cấp cho nhà máy chế biến khí Dinh Cố sẽ tăng công suất từ 5 triệu m3/ngày lên 5,5 triệu m3/ngày. Đề án đường ống dẫn khí từ mỏ Lan Tây-lan Đỏ ở bể Nam Côn Sơn vào bờ công suất 6 triệu m3/ngày đã được khởi công xây dựng. Để phục vụ cho đề án này Công ty kinh doanh và chế biến các sản phẩm khí đang tích cực triển khai xây dựng trạm nén khí Dinh Cố, nhà máy chế biến condensate, trung tâm phân phối khí Phú Mỹ và
đường ống dẫn khí Phú Mỹ-thủ Đức, đưa khí đến các hộ tiêu thụ tại Biên Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh.

Petrovietnam đã quyết định tham gia các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy điện công suất 600-800 Mw, nhà máy sản xuất phân đạm 800.000 tấn/năm, nhà máy Methanol 600.000 tấn/năm.

Cùng với việc phát triển, tìm kiếm các nguồn dầu khí mới, Petrovietnam sẽ phát triển các dịch vụ kỹ thuật dầu khí, để có thể tự lực trong việc điều hành mỏ. Công ty dịch vụ dầu khí (Ptsc) là công ty hàng đầu của ngành trong lĩnh vực này. Các loại hình dịch vụ mạnh nhất của công ty là tàu thuyền, căn cứ cảng và cung ứng lao động kỹ thuật. Đội tàu của công ty với tổng công suất 50.000 sức ngựa, chiếm lĩnh hơn 90% thị trường trong nước và đã thâm nhập thị trường Thái Lan, Myanmar, Brunei, Australia. Căn cứ dịch vụ trên bờ thu hút hầu hết các nhà thầu dầu khí hoạt động ở Việt Nam. Lực lượng công nhân kỹ thuật của công ty đã trở thành nguồn nhân lực quan trọng của ngành. Hiện nay công ty đang đầu tư phát triển các lọai hình dịch vụ mới như cung cấp giàn khoan thăm dò, khảo sát địa chất công trình, địa chất thủy văn, ứng cứu sự cố dầu tràn, các thiết bị lặn, vận chuyển khí hóa lỏng.

Vietsovpetro đang tích cực khai thác các dịch vụ hiện có như lắp đặt giàn khoan, xây dựng đường ống dẫn khí, sửa chữa giàn khoan...hiện nay Công ty dầu khí Mekong-liên doanh giữa Petrovietnam và 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang khẩn
trương xây dựng tổng kho xăng dầu có sức chứa 36.000 m3 ở Cần Thơ và các kho trung chuyển ở các tỉnh./.