Xóa bỏ cây thuốc phiện
Hà Nội(Ttxvn 20/2/2001)
Diện tích cây thuốc phiện Việt Nam đã giảm từ trên 19.000 ha vụ 1992/1993 xuống còn trên 420 ha hiện nay, báo cáo của ủy ban Dân tộc và miền núi tại Hội nghị tổng kết 8 năm vận động xóa bỏ và phát triển thay thế cây thuốc phiện, tổ chức tại Hà Nội ngày 20/2/2001 cho biết .
Cây thuốc phiện được trồng chủ yếu ở những vùng núi hẻo lánh thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và từ lâu loại cây này đã gắn với tập quán canh tác và đời sống của đồng bào dân tộc ít người trong vùng.
Tám năm qua, cùng với việc thực hiện chương trình xóa nhổ cây thuốc phiện, Nhà nước đã có chính sách trợ giúp nhân dân ở những vùng trồng cây thuốc phiện chuyển hướng sản xuất, ổn định đời sống. Các lọai cây công nghiệp được đưa vào trồng thay thế như cây hồi, cây quế, chè, các lọai cây ăn quả, giống lúa chịu hạn, bước đầu mang lại kết quả tốt. Đời sống nhân dân các vùng dự án đã từng bước được cải thiện. Đến nay đã có 37,7% số hộ có mức sống khá hơn trước, hơn 40% số hộ ổn định và từng bước phát triển. Các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác như phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi, định canh định cư, hỗ trợ các xã miền núi vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn cũng đã được thực hiện.
Nhà nước đã đầu tư 320 tỷ đồng cho Chương trình Quốc gia về Phòng, chống và Kiểm soát ma túy, trong đó đã đầu tư cho xóa bỏ cây thuốc phiện trên 113 tỷ đồng. Ngoài ra, Cơ quan kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc(Undcp) đã hỗ trợ 3,8 triệu Usd cho việc thực hiện dự án thí điểm Phát triển kinh tế- xã hội nhằm thay thế cây thuốc phiện ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế xã hội các xã vùng cao, vùng xa vẫn chưa vững chắc, đời sống đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng người dân ở các tỉnh nói trên tái trồng cây thuốc phiện, đã xuất hiện tình trạng người dân mang loại cây này vào trồng tại một số tỉnh Tây Nguyên.
Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tưu xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, cụm xã vùng cao; chú trọng nhất là giao thông, điện lưới, thủy điện, thủy lợi nhỏ, trạm trại giống, nhước sạch nông thôn. Nhà nước cũng sẽ có các giải pháp, chính sách cụ thể trợ giúp nhân dân chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển giáo dục, nâng cao dân trí cho đồng bào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời có các giải pháp đồng bộ để phát triển giáo dục trong vùng như tăng cường cơ sở vật chất trường học, hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, có chính sách thu hút đội ngũ giáo viên đến công tác lâu dài tại địa phương; xây dựng cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị và hỗ trợ thuốc thiết yếu cho họ.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn thành dự thảo Dự án xóa bỏ và thay thế cây thuốc phiện tại các xã vùng cao giai đọan 2001-2005. Dự án này sẽ được thực hiện tại 186 xã của 10 tỉnh miền núi phía Bắc, với tổng số vốn đầu tư 794 tỷ đồng./.