Du thảo Báo cáo Đại hội đảng VIIII: Thông tin-Đối ngoại


(Tiếp theo 6)
Phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng. Báo chí, kể cả báo điện tử, xuất bản, phát thanh, truyền hình, điện ảnh... làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên nhân dân làm tốt hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát hiện những nhân tố mới, cái hay, cái đẹp trong xã hội, giới thiệu gương người tốt việc tốt, phê phán cái sai, cái xấu và các hiện tượng tiêu cực; coi trọng nâng cao tính chân thật, tính đa dạng và tính chiến đấu của thông tin. Sử dụng Internet đẩy mạnh thông tin đối ngoại, đồng thời hạn chế, ngăn chặn những hoạt động tiêu cực qua mạng. Khắc phục xu
hướng "thương mại hoá" trong hoạt động báo chí, xuất bản. Không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, trình độ văn hoá và nghề nghiệp của đội ngũ báo chí, xuất bản.

Vi- Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ tổ quốc:

Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng-an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch kinh tế-xã hội. Phối hợp hoạt động quốc phòng - an ninh với hoạt động đối ngoại.

Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Cần thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có trình độ văn hoá và kiến thức; có lòng quý trọng và gắn bó với nhân dân; có lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; có phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị; có năng lực chỉ huy và tác chiến thắng lợi trong bất cứ tình huống nào; có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu ngày càng cao; kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, kịp thời đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và an ninh quốc gia; đẩy lùi các tội phạm nguy hiểm và các tệ nạn xã hội, bảo đảm tốt trật tự, an toàn xã hội.

- Xây dựng cơ sở chính trị - xã hội, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; coi trọng xây dựng thế trận trên các địa bàn chiến lược trọng yếu và xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ.

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng và an ninh trên phạm vi cả nước và từng địa phương, cơ sở, đưa nhiệm vụ đó vào chương trình chính khoá đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Thể chế hoá các chủ trương chính sách của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

- Tận dụng năng lực công nghiệp dân sinh phục vụ quốc phòng, đầu tư thích đáng cho việc xây dựng công nghiệp quốc phòng, trang bị kỹ thuật hiện đại cho quân đội. Từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các lực lượng vũ trang, thực hiện tốt chính sách hậu phương đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

- Thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Quân đội và Công an, đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng và an ninh.

Vii- Mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế:

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.

Nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới là tiếp tục giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, xây dựng môi trường hoà bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Mở rộng quan hệ nhiều mặt, song phương và đa phương với các
nước và vùng lãnh thổ, các trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực theo các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực; bình đẳng và cùng có lợi; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hoà bình; phản đối mọi âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt và cường quyền.

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Chính phủ, các bộ, các ngành và các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng và thực hiện kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế với lộ trình hợp lý và chương trình hành động cụ thể, phát huy quyền chủ động của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp. Tích cực thực hiện các biện pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội; hoàn chỉnh hệ thống luật pháp; nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế; bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực, đạo đức, phẩm chất của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, kể cả kinh tế đối ngoại.

Tăng cường công tác thông tin phục vụ nghiên cứu, làm tốt công tác dự báo tình hình khu vực và thế giới, kịp thời có những chủ trương, chính sách đối ngoại thích hợp khi tình hình thay đổi.
Coi trọng và ra sức phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng. Mở rộng quan hệ, từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng của sự hợp tác với các nước trong tổ chức Asean, cùng xây dựng Đông Nam á thành một khu vực hoà bình, không có vũ khí hạt nhân, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

Tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước độc lập dân tộc, các nước đang phát triển ở Châu á, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ La-tinh, với Phong trào Không liên kết, ủng hộ lẫn nhau cùng phát triển, phối hợp bảo vệ lợi ích chính đáng của nhau.

Thúc đẩy quan hệ đa dạng với các nước phát triển và các tổ chức quốc tế. Tích cực hoạt động ở các diễn đàn đa phương.

Chủ động tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. ủng hộ và cùng với nhân dân thế giới đấu tranh nhằm loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học và mọi phương tiện chiến tranh hiện đại khác giết người hàng loạt, bảo vệ hoà bình, chống nguy cơ chiến tranh và chạy đua vũ trang, chống chính sách cường quyền, áp đặt, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước; bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự lựa chọn con đường phát triển của mỗi dân tộc trên thế giới; góp phần xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế dân chủ, công bằng, hợp lý và ổn định.

Củng cố và tăng cường quan hệ đoàn kết và hợp tác với các đảng cộng sản và công nhân, với các đảng cánh tả, các phong trào giải phóng và độc lập dân tộc, với các phong trào cách mạng và tiến bộ trên thế giới.

Tiếp tục mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền và các chính đảng khác.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại và văn hoá đối ngoại.

Mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường quan hệ song phương và đa phương với các tổ chức nhân dân các nước, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao của Nhà nước, hoạt động đối ngoại của Đảng và hoạt động đối ngoại nhân dân. Hoàn thiện cơ chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, làm cho thế giới hiểu rõ hơn đất nước, con người Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, công cuộc đổi mới của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và hợp tác ngày càng rộng rãi của các quốc gia, dân tộc, các chính đảng, tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế.

Viii- phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân, coi đó là đường lối chiến lược cơ bản, lâu dài, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong đảng và người ngoài đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay định cư ở nước ngoài. Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai. Khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn luôn được củng cố và phát triển sâu rộng trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân gắn với việc phát huy dân chủ trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện dân chủ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá..., ở tất cả các cấp, các ngành.

Chính sách và pháp luật của Nhà nước là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân và sinh hoạt dân chủ trong xã hội. Xây dựng đồng bộ các chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân. Đổi mới và hoàn thiện các chính sách cụ thể đối với các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, đặc biệt là các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, phân phối, tiêu dùng, bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của công dân... (Còn tiếp)