Du thảo Báo cáo Đại hội đảng VIIII: VN triển vọng


(Tiếp theo)

Đồng thời, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta từng chỉ rõ - tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng và tệ quan liêu, "diễn biến hoà bình" do các thế lực thù địch gây ra - đến nay vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp, đan xen, tác động lẫn nhau, không thể xem nhẹ nguy cơ nào. Điều cần nhấn mạnh là nước ta căn bản vẫn còn là nước nông nghiệp, điểm xuất phát kinh tế thấp, khoảng cách về trình độ phát triển giữa nước ta với nhiều nước trên thế giới còn rất lớn, trong khi đó đất nước đi lên trong điều kiện cuộc cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt. Nếu chúng ta không nhanh chóng vươn lên thì sẽ tụt hậu xa hơn nữa về kinh tế. Mặt khác, tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí và sự thoái hoá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang thật sự cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm mất lòng tin của nhân dân. Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta phải ra sức khắc phục bằng
được để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và sự vững vàng của chế độ.

Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chúng ta. Thế kỷ 20 là thế kỷ đấu tranh oanh liệt và chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta. Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ nhân dân ta tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước ta sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới.

Ii- tình hình đất nước 5 năm qua và sau 15 năm đổi mới. Đại hội 8 của Đảng đề ra nhiệm vụ từ năm 1996 đến năm 2000 là : tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống của nhân dân, nâng cao tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ sau.

Năm năm qua, bên cạnh một số thuận lợi, nước ta đã gặp nhiều khó khăn, thách thức: những yếu kém vốn có của nền kinh tế, những thiên tai lớn liên tiếp, cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ ở khu vực Châu á, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp. Trong hoàn cảnh đó, toàn Đảng và toàn dân ta ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội 8, đạt được những thành tựu quan trọng:

Kinh tế tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong nước (Gdp) tăng bình quân hằng năm 6,94%. Nhờ tập trung đầu tư cho thuỷ lợi, giống mới, kỹ thuật thâm canh, hình thành các vùng cây công nghiệp có giá trị, nông nghiệp phát triển liên tục, đặc biệt là sản xuất lương thực. Việc nuôi trồng và khai thác thủy sản, hải sản được mở rộng. Công nghiệp giữ nhịp độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 13,5% là một cố gắng lớn; năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hệ thống kết cấu hạ tầng: bưu chính - viễn thông, đường sá, cầu, cảng, sân bay, điện... được tăng cường. Các ngành dịch vụ có bước phát triển mới. Xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục phát triển. Năm 2000, đã chặn được đà giảm sút mức tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Văn hóa, xã hội có những tiến bộ; đời sống nhân dân tiếp tục
được cải thiện. Giáo dục - đào tạo có bước phát triển về chất lượng, quy mô và cơ sở vật chất. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Nước ta đã đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Khoa học xã hội và nhân văn có bước chuyển biến tích cực, giải đáp một số vấn đề lý luận và thực tiễn, tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định chiến lược, đổi mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Khoa học tự nhiên và công nghệ gắn bó hơn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chuẩn bị xây dựng những khu công nghệ cao; quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái. Các hoạt động văn hoá, báo chí, xuất bản đóng góp tích cực vào việc động viên toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao kiến thức và sự hưởng thụ văn hoá của cộng đồng. Những nhu cầu thiết yếu của nhân dân về ăn, ở, mặc, chữa bệnh, nước sạch, điện sinh hoạt, học tập, đi lại, giải trí... được đáp ứng tốt hơn. Mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng gần gấp đôi. Phong trào thể dục, thể thao phát triển rộng rãi; một số bộ môn đạt thành tích cao trong nước và quốc tế. Việc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng, tiêm chủng có nhiều tiến bộ.

Mỗi năm đã giải quyết việc làm cho hơn một triệu lao động. Việc đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo trên phạm vi cả nước, nhất là ở các vùng nghèo, xã nghèo, đạt kết quả to lớn nổi bật, được dư luận thế giới đánh giá cao. Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, tỉ lệ tăng dân số bình quân hàng năm giảm, được Liên hợp quốc tặng giải thưởng về công tác dân số. Công tác chăm sóc người có công với nước, các hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và gia đình liệt sĩ, được mở rộng, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp. Toàn dân hăng hái góp tiền của, công sức cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai lớn; tham gia nhiều hoạt động nhân đạo-từ thiện giúp đỡ những người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, người tàn tật, người già không nơi nương tựa và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tình hình chính trị-xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường. Đây là một nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển đất nước. Các lực lượng vũ trang nhân dân có nhiều cố gắng bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo được phát huy. Tổ chức quân đội và công an được chấn chỉnh theo yêu cầu mới. Việc kết hợp quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh với đối ngoại khá chặt chẽ.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, hệ thống chính trị được củng cố. Toàn Đảng, từ Trung ương đến cơ sở đã dành nhiều công sức chăm lo xây dựng Đảng. Nhiều nghị quyết Trung ương trong nhiệm kỳ qua đã đề ra những chủ trương, giải pháp quan trọng nhằm củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá 8. Đã tiến hành cải cách một bước nền hành chính quốc gia, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã cố gắng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Đã tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực; bước đầu thực hiện một số chính sách và quy chế bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, trước hết ở cơ sở.

Quan hệ đối ngoại và việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
được mở rộng và thu nhiều kết quả tốt. Nước ta đã tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng, bạn bè truyền thống; là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam á (Asean), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu á-thái Bình Dương (Apec); tăng cường quan hệ với các nước phát triển và nhiều nước khác, nhiều tổ chức khu vực và quốc tế.

Đảng ta tiếp tục phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các Đảng cộng sản và công nhân, các phong trào độc lập dân tộc và tiến bộ trên thế giới; quan hệ với đảng đang cầm quyền ở một số nước và một số đảng khác. Các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức bảo vệ hoà bình thế giới và các hội hữu nghị mở rộng hoạt động đối ngoại cả về phương thức, quy mô và địa bàn, góp phần tích cực vào thắng lợi ngoại giao của nước ta.
(Còn tiếp)