Tăng cưuong đầu tưu và đổi mới chính sách xã hội



Hà Nội(Ttxvn /11/2000)
15 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển xã hội nhờ có sự đổi mới tư duy trong việc hoạch định và thực hiện chính sách xã hội. Bà Nguyễn Thị Hằng, Bộ
Trưởng Bộ Lao động và Thương binh Xã hội đã đánh giá vậy trên Tạp chí Lao Động và Xã hội tháng 12/2000.

Trong những năm qua, đầu tưu của Nhà nước cho các lĩnh vực xã hội ngày càng tăng, hiện chiếm trên 25% ngân sách Nhà nước, trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư cho xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm giáo dục-đào tạo, dạy nghề cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác. Nhà nước khuyến khích người dân làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống giữa các vùng, các dân tộc và các tầng lớp dân cư. Các vấn đề chính sách xã hội được giải quyết theo tinh thần xã hội hóa, trong đó Nhà nước đóng vai trò nòng cốt. Nhà nước cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng quốc tế tham gia giải quyết các vẫn đề xã hội.

Nhà nước đã ban hành một số chính sách về phát triển kinh tế nhiều thành phần, đổi mới chính sách đất, tín dụng hướng vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ... để đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao và ổn định.

Một hệ thống luật pháp đã được ban hành phù hợp hơn với yêu cầu đổi mới của đất nước trong tình hình mới như Bộ Luật Lao động, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục, Pháp lệnh ưu đãi người có công, Pháp lệnh người tàn tật...

Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển xã hội đã và đang được thực hiện như chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm trợ giúp các xã đặc biệt khó khăn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, chương trình phòng chống các tệ nạn xã hội và các quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo... các Quỹ Quốc gia về xóa đói giảm nghèo, việc làm, đền ơn đáp nghĩa, quỹ tình thương đã được thành lập.

Thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những thành tựu nhất định và được dư luận đánh giá cao. Tỷ lệ hộ đói nghèo trong cả nước giảm từ 30% năm 1992 xuống còn khoảng gần 11% năm 2000, bình quân mỗi năm giảm được gần 300 ngàn hộ.

Từ năm 1991 đến năm 2000, số người trong độ tuổi lao động tăng từ 30,9 triệu lên 40,6 triệu, tăng hàng năm khoảng 2,9%. Những năm gần đây, mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho 1,2 triệu người.

Đến năm 2000, cả nước đã đạt tiêu chuẩn về quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học; trên 90% dân số được tiếp cận với dịch vụ y tế; tỷ lệ tăng dân số giảm trung bình 5 phần nghìn/năm; 60% số gia đình được dùng nước sạch; sóng phát thanh đã phủ gần 85% diện tích cả nước; đời sống người có công được nâng cao một bước; đời sống các đối tượng thiệt thòi đã được cải thiện rõ rệt và hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng.

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác kiểu mới, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, chú trọng đến việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ để tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt công tác xóa đói giảm nghèo được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Việt Nam cũng có chủ trương lấy việc tạo việc làm trong nước là chính nhưng cần phải đẩy mạnh xuất khẩu lao động và chuyên gia ra nước ngoài để vừa có thể phát triển nguồn nhân lực, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất và vừa thu được ngoại tệ cho đất nước. Việt Nam phấn đấu năm 2001 sẽ có 50.000 người đi xuất khẩu lao động.

Từ nay đến 2010, Việt Nam phấn đấu hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, đổi mới chương trình sách giáo khoa; tiếp tục giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số và quan tâm tới việc phân bố dân cư. Các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên, tuổi thọ bình quân đạt 72 tuổi, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi chỉ còn vào khoảng 32 phần nghìn, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn dưới 25%.

Việc giải quyết vấn đề chất lượng lao động dựa trên những cơ chế chính sách tuyển dụng, tiền lương, tiền công cũng được quan tâm đúng mức nhằm đảm bảo cho đời sống cho người lao động và gia đình họ. Đồng thời Việt Nam đang sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh các văn bản luật pháp về các lĩnh vực xã hội để có những cơ chế mới tạo động lực cho mổi người dân có thể phát huy nội lực của chính mình, tự tạo việc làm, nâng cao tay nghề và tăng thu nhập./.