Thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam




Hà Nội (Ttxvn 1/1/2001)
Dệt may được coi là một trong những ngành trọng điểm của nền công nghiệp Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang được xem là ngành sản xuất mũi nhọn và có tiềm lực phát triển khá mạnh.

Với những lợi thế riêng biệt như vốn đầu tư không lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, thu hút nhiều lao động và có nhiều điều kiện mở rộng thị trường trong và ngoài nước với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Tuy vậy, trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, phải cạnh tranh ngang bằng với các cường quốc xuất khẩu lớn như Trung Quốc, ấn Độ, Inđônêxia, Pakixtan, Hàn Quốc.... Đặc biệt, từ 1/1/2006, thuế xuất nhập khẩu hàng dệt may từ các nước Asean vào Việt Nam sẽ giảm từ 40-50% như hiện nay xuống tối đa còn 5% nên hàng dệt may Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với hàng nhập từ các nước trong khu vực.

Việt Nam hiện có hơn 1000 nhà máy dệt may, thu hút trên 50 vạn lao động, chiếm đến 22% tổng số lao động trong toàn ngành công nghiệp. Sản lượng sản xuất hàng năm tăng trên 10% nhưng quy mô còn nhỏ bé, thiết bị và công nghệ khâu kéo sợi và dệt vải lạc hậu, không cung cấp được vải cho khâu may xuất khẩu. Những năm qua, tuy đã nhập bổ sung, thay thế 1.500 máy dệt không thoi hiện đại để nâng cấp mặt hàng dệt trên tổng số máy hiện có là 10.500 máy, thì cũng chỉ đáp ứng khoảng 15% công suất dệt.

Ngành may tuy liên tục đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị và dây chuyền đồng bộ chuyên sản xuất một mặt hàng như dây chuyền may sơ mi, may quần âu, quần Jean, complet, hệ thống giặt là... nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ngày càng cao. Xuất khẩu hàng dệt may tuy đạt kim ngạch cao, nhưng chủ yếu làm gia công, ngành dệt vẫn nhập khẩu nhiều và nguyên liệu cho sản xuất của ngành dệt hầu như hoàn toàn nhập khẩu từ nước ngoài...

Năm 2000, ngành dệt may Việt Nam tuy đã có nhiều yếu tố thuận lợi để tạo đà có tiến trình hội nhập sắp tới như Quota thị trường Eu được tăng 30%, bước đầu mở được thị trường Mỹ và thị trường vùng Trung Cận Đông, châu Phi; kinh tế Nhật Bản đang hồi phục khiến cho thị trường này tiêu thụ hàng dệt may Việt Nam tăng hơn trước. Nhưng xuất khẩu hàng dệt may cũng gặp không ít khó khăn do giá sản phẩm giảm liên tục, giá cả ở thị trường Nhật từ năm 1998 giảm bình quân 12% mỗi năm do áp lực cạnh tranh của hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu lại tăng; đặc biệt thị trường phi quota, trong đó thị trường Đông Âu giảm mạnh từ giữa năm.... Do vậy, theo đánh giá của ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam: chỉ tiêu xuất khẩu của toàn ngành hết năm 2000 ước chỉ đạt 1.870 triệu Usd, tăng 6% so với mức thực hiện năm 1999; trong đó, Tổng Công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex) ước đạt 550 triệu Usd, tăng 12% so với năm 1999.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Eu được thực hiện qua các khâu trung gian như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc... Vì vậy, làm sao Việt Nam có thể tiếp cận và bán hàng trực tiếp sản phẩm dệt may, giảm bớt phụ thuộc vào các nhà đặt hàng trung gian, nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Trong các mặt hàng may mặc xuất khẩu vào Eu, mới chỉ tập trung vào các mặt hàng dễ làm như áo jacket, sơ mi... còn các mặt hàng có giá trị, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn như bộ complet hay các loại áo sơ mi cao cấp thì ít doanh nghiệp có thể sản xuất được. Do đó, trên thực tế, nhiều mặt hàng có hạn ngạch nhưng lại chưa có doanh nghiệp xuất khẩu.

Có nhiều ý kiến lạc quan về xuất khẩu hàng dệt may vào thị
trường Mỹ sau khi có Hiệp định thương mại Việt Mỹ. Năm 1999, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này đạt 43 triệu Usd. Đến năm 2000, tuy hàng dệt may Việt Nam bán vào thị
trường Mỹ vẫn bị đánh thuế nhập khẩu cao hơn 2-3 lần so với hàng của các nước khác nhưng vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 60 triệu Usd. Với những con số đã thực hiện khả quan này và một khi thuế nhập khẩu giảm xuống, ngành dệt may có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 300 triệu Usd vào thị trường Mỹ trong năm 2001. Ông Lê Quốc Ân còn tin tưởng rằng, trong vòng 3-4 năm kể từ khi hai nước trao cho nhau quy chế thương mại bình thường (Ntr), ngành dệt may hoàn toàn có thể đạt kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ 1 tỷ Usd. Điều đó sẽ là hiện thực vì theo kinh nghiệm của Campuchia, chỉ hai năm sau khi có Ntr với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước này vào Mỹ đã tăng từ con số 0 lên tới 600 triệu Usd vào năm 1999.

Theo thống kê của báo Sài Gòn tiếp thị, mức tiêu thụ hàng dệt may ở thị trường nội địa năm 2000 đạt khoảng 2,8 tỷ Usd; trong đó vừa là hàng nhập khẩu, vừa là hàng trong nước sản xuất. Gần đây, xu thế sử dụng thu nhập cho nhu cầu mặc cũng tăng hơn từ 10-12%. Xu thế tiêu dùng hàng may sẵn cũng có xu hướng tăng lên do ngày càng tiện lợi cho người tiêu dùng, đáp ứng được thị hiếu và giá rẻ hơn.

Vấn đề bức xúc hiện nay là hàng vải sợi, may mặc từ nước ngoài tràn vào từ nhiều nguồn (hàng trốn lậu thuế, hàng cũ) giá rất rẻ đã làm cho sản xuất trong nước bị ảnh hưởng. Mặt khác, hệ thống bán buôn, bán lẻ hàng vải sợi may mặc trong nước chưa có tổ chức, để thả nổi cho một số tư thương làm giả nhãn mác một số công ty có uy tín. Bản thân các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại chưa tạo được các kênh tiêu thụ ngay ở thị trường trong nước. Do vậy, để các nhà sản xuất hàng dệt may Việt Nam làm chủ được thị trường nội địa không có biện pháp nào khác ngoài việc phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất và lưu thông, bán buôn và bán lẻ.

Trong kế hoạch năm 2001, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 2,3 tỷ Usd; trong đó, Vinatex phấn đấu đạt 600 triệu Usd.

Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt Chiến lược tăng tốc phát triển đến năm 2010, ngành Dệt May Việt Nam đã đề ra 4 giải pháp lớn phải đồng bộ thực hiện, đó là: đổi mới công nghệ, ổn định chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đầu tư mở rộng quy mô sản xuất từ khâu may đến khâu sản xuất vải và phụ liệu may, bông xơ sợi cho sản xuất vải; trong đó, đầu tư cho các nhà máy may hiện đại may hàng Fob (xuất khẩu trực tiếp) ở trung tâm hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; mở rộng mạng lưới may gia công ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với việc quy tụ các nhà máy mới vào 10 cụm công nghiệp dệt là phát triển mạnh vùng bông ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, ngành sẽ đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, xây dựng mạng lưới bán buôn bán lẻ trong nước và các đại diện thương mại quốc tế; áp dụng ngay phương thức kinh doanh mới như thương mại điện tử và cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực.

Dự tính, trong 10 năm tới, số kỹ sư công nghệ cần có thêm là 50.000 người và số cán bộ quản lý doanh nghiệp là 5.000 người cho các chương trình đầu tư mở rộng dệt may. Ngoài ra, số cán bộ công nhân viên hiện có của ngành là khoảng 40.000 người và 3.000 cán bộ quản lý doanh nghiệp cũng cần được cập nhật hóa kiến thức thường xuyên.

Vinatex, Viện dệt, Viện Fadin, Trường đại học kinh tế quốc dân, Trường đại học Bách khoa... đã có những chương trình phối hợp đào tạo mới và đào tạo bổ sung cho cán bộ của ngành. Hiệp hội dệt may Việt Nam với chương trình Asean +3 của Hiệp hội dệt may Đông Nam á (Aftex) đang xúc tiến việc thành lập chương trình đào tạo cán bộ cho ngành dệt may Việt Nam kể cả hình thức đào tạo trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, trong chương trình xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm 2001, Vinatex đang rà lại năng lực, lựa chọn các xưởng chuyên môn hóa cao có khả năng xuất khẩu sang Mỹ; đầu tư một số xưởng dệt kim và xưởng may cho thị
trường Mỹ; xin Chính phủ trợ giá xuất khẩu vào Mỹ; thực hiện
chương trình xúc tiến liên doanh với nước ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu vào Mỹ...

Hiệp hội Dệt May Việt Nam với vai trò trao đổi và cung cấp thông tin; tư vấn và xúc tiến thương mại; thay mặt các hội viên khuyến nghị với Chính phủ về những chính sách vĩ mô liên quan đến ngành đã và đang góp phần phát triển nền công nghiệp dệt may Việt Nam trong tiến trình hội nhập./.