Ngành đường Sắt Việt Nam khởi sắc
Hà Nội(Ttxvn 15/12/2000)
Năm 2000, toàn ngành đường sắt Việt Nam ư đạt doanh thu 2.733 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 1999.
Ngành đã vận chuyển trên 6 triệu tấn hàng hóa, đạt trên 1.230 tỷ đồng doanh thu từ vận tải.
Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trên lĩnh vực vận tải của ngành đường sắt đạt được trong thời kỳ đổi mới. Sự tăng trưởng trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và doanh thu là kết quả thực hiện những giải pháp đồng bộ gồm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và đặc biệt linh hoạt giảm giá cước vận chuyển đã góp phần thu hút chủ hàng trở lại với ngành. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành cũng như thực hiện các biện pháp hợp lý và kiên quyết, nên việc giải quyết công nợ tồn đọng của các doanh nghiệp trong ngành đã có nhiều chuyển biến, góp phần làm tình hình tài chính của toàn ngành lành mạnh hơn.
Sự khởi sắc của ngành đường sắt trong năm 2000 không thể không nhắc đến thành quả của công trình thiết kế, đóng mới và
đưa vào khai thác 4 đoàn tàu tốc hành Bắc - Nam thế hệ 2 chạy trên tuyến đường sắt Thống Nhất.
Liên hiệp đường sắt Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đường ngang với tổng vốn đầu tư khoảng 550 tỷ đồng để xây dựng những giao cắt lập thể giữa đường sắt và đường bộ trên các trục quốc lộ lớn; phát triển thêm một loại hình đường ngang có phòng vệ mới theo đường hướng hiện đại hóa là đường ngang tự động và đường ngang có cảnh báo tự động; hệ thống
đường gom chạy song song với đường sắt.
Ngành đã vay ấn Độ 10 triệu Usd mua 10 đầu máy mới, công suất lớn; vay tín dụng 30 triệu Usd để mua 20 đầu máy Đức; 9 triệu Usd để mua 10 đầu máy Trung Quốc và đang nghiên cứu vay vốn của chính phủ Pháp mua sức kéo. Bằng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển, ngành đường sắt cũng vay đóng mới toa xe; trong đó đã vay trên 100 tỷ đồng đóng mới hơn 50 toa xe khách chất lượng cao phục vụ cho đoàn tàu S1/2 thế hệ 2. Dự kiến sang năm 2001, ngành sẽ vay vốn ngân hàng đóng thêm từ 100 đến 200 toa xe khách chất lượng cao nữa.
Ngành đang trình lên Chính phủ Chiến lược phát triển của ngành đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và đang chờ Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp lại tổ chức nhằm mục đích tạo điều kiện để nhiều thành phần kinh tế có thể tham gia vào việc phát triển và nâng cao khả năng sinh lợi của ngành đường sắt./.