Việt Nam tôn trọng Thoả thuận 3 bên hồi hương người vượt biên
Ngày 22/3/2002, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phan Thuý Thanh đã trả lời câu hỏi của các phóng viên:
Phóng viên Hãng thông tấn AFP (Pháp): Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam "về việc Hoa Kỳ mới đây đã tố cáo Việt Nam đưa người sang Căm-pu-chia để ép buộc những người dân tộc thiểu số vượt biên sang Căm-pu-chia về nước".
Phóng viên Hãng thông tấn Reuters (Anh): Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Hoa Kỳ tố cáo "ngày 21/3/2002, Việt Nam gửi hơn 400 người sang các trại ở Căm-pu-chia và hành vi của những người này gây mối quan ngại lớn"? Việt Nam có còn ủng hộ một khuôn khổ của Liên Hợp Quốc về việc hồi
hương không hay Việt Nam không coi trọng vai trò của UNHCR như phía Hoa Kỳ cáo buộc?
Trả lời:
Việt Nam luôn tôn trọng Thoả thuận ba bên ngày 21/1/2002 giữa Việt Nam - Căm-pu-chia - UNHCR và coi đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết việc hồi hương số người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia, theo đó việc hồi
hương sẽ được thực hiện trong an toàn và tôn trọng nhân phẩm.
Theo thoả thuận này, UNHCR sẽ tổ chức cho những người có nguyện vọng hồi hương được trở về Việt Nam. Tuy nhiên, UNHCR đã không thực hiện cam kết của mình. Vì vậy, vừa qua hơn 160 người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia đã tự động bỏ trại trở về.
Những người trở về đã thông tin cho thân nhân những người trong trại biết về đời sống rất khổ cực, ốm đau, bệnh tật, thậm chí có người đã chết trong các lán trại tạm ở Căm-pu-chia. Họ cũng cho biết đa số người còn ở trong trại mong muốn trở về
nhưng bị kẻ xấu trong trại đe doạ. Vì lo lắng cho số phận của những người thân của mình, và do hiện nay đã sắp hết mùa canh tác, gia đình của những người này đang thiếu nhân lực, bà con chúng tôi ở một số địa phương ở Tây Nguyên đã tự động sang Căm-pu-chia để thăm hỏi thân nhân của mình và động viên họ trở về Việt Nam.
Cần phải nói rõ rằng, những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia không phải là những người tị nạn. Họ cũng không phải là những tù nhân trong trong các lán trại tạm tại Căm-pu-chia. Họ hoàn toàn có quyền được đón thân nhân từ Việt Nam sang thăm. Chính quyền địa phương của Việt Nam không thể ngăn cản nguyện vọng chính đáng và nhân đạo đó của bà con.
Chúng tôi cho rằng việc UNHCR cần làm ngay là thực hiện thoả thuận ba bên, sớm tổ chức đưa những người có nguyện vọng hồi
hương trở về Việt Nam, nhất là trước khi mùa mưa đến. Hành động này của UNHCR cũng sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho cả Việt Nam và Căm-pu-chia, phù hợp với nguyện vọng của bà con chúng tôi và phù hợp với sứ mệnh nhân đạo của UNHCR.
Thiết nghĩ, Hoa Kỳ cần có thái độ khách quan, xây dựng và nên yêu cầu UNHCR sớm tổ chức các chuyến hồi hương cho những người có nguyện vọng tha thiết được trở về quê hương.