Thực thi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ: Cần nỗ lực từ hai phía

Laodong.com.vn, cập nhật: 14:47:36 - 03.10.2003


Ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ nhiệm UB Kinh tế - Ngân sách Quốc hội cho biết: Để Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) thực sự có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì các cơ quan nhà nước cần khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với lộ trình của Hiệp định.

Nhận xét trên được đưa ra tại Hội thảo Hiệp định thương mại Việt-Mỹ do UB Kinh tế - ngân sách Quốc hội và Dự án Star-Việt Nam thuộc USAID tổ chức tại TPHCM từ ngày 1.10 đến 3.10.

Phát biểu trong hội thảo, đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng để tiếp tục thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Mỹ có hiệu quả cần làm bốn việc.

Thứ nhất là việc thực hiện một số cam kết về minh bạch hóa cần làm tốt hơn vì nhiều doanh nhân và đại diện DNNN hiện vẫn phàn nàn về sự thiếu minh bạch trong các văn bản pháp lý của ta, gây cản trở cho việc đầu tư và kinh doanh của họ tại VN.

Thứ hai là việc thực hiện các cam kết về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn hạn chế. Mấy năm qua, Mỹ vẫn đưa VN vào danh sách các nước cần theo dõi về vấn đề tuân thủ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và phía VN cần cải thiện tình hình này.

Thứ ba là các doanh nghiệp VN muốn đứng vững tại thị trường Mỹ cần tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, phát triển tiềm năng sản xuất và xuất khẩu và phải thâm nhập được vào thị trường Mỹ.

Và cuối cùng chính là cần quan tâm đúng mức đến việc sử dụng đòn bẩy kinh tế khi làm ăn với Mỹ.

Ông Nguyễn Xuân Chuẩn, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ tiềm ẩn nhiều tranh chấp về thương mại quốc tế. Trong đó có hai vấn đề nổi lên là thương hiệu và kiện chống phá giá.

Về thương hiệu, các doanh nghiệp cần chủ động đăng ký thương hiệu với các cơ quan chức năng để tránh bị các công ty, cá nhân khác lợi dụng và lấy cắp thương hiệu.

Về kiện chống phá giá, vừa qua, Canada đã khởi kiện Việt Nam bán phá giá giày và đế giày không thấm nước sang thị trường của họ. Theo nhận định chung, rất có thể Mỹ đang xem xét các động thái của vụ kiện này để tiếp tục khởi kiện nếu như Canada chứng minh được ta bán phá giá.

Để hạn chế các tranh chấp xung quanh việc bán phá giá, cần nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng để có sự phối hợp, theo dõi giữa các doanh nghiệp trong cơ chế định giá xuất khẩu. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác kiểm soát chống gian lận thương mại.

Ông Trịnh Minh Anh, Phó vụ trưởng-Văn phòng Uỷ ban quốc gia Hợp tác quốc tế cho biết, khi thi hành Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, Việt Nam đã mở cửa khá thông thoáng trong lĩnh vực dịch vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã được phép cung cấp trong hầu hết các ngành dịch vụ theo phân loại của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ của WTO (GATs).

Thời gian qua, các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ đã vào VN song chưa nhiều. Cụ thể, trong dịch vụ viễn thông cơ bản 4 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực hay như trong dịch vụ tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ được phép tăng tỷ lệ góp vốn lên 50% sau 3 năm và 100% vốn sau 5 năm. Như vậy, mốc thời gian trên chỉ phần nào giúp các nhà cung cấp dịch vụ VN chứ khó có thể cho phép họ đủ khả năng cạnh tranh với các công ty đa quốc gia hùng mạnh của Mỹ.

Theo ông Minh Anh thì năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ VN còn yếu, trong nhiều dịch vụ quan trọng như ngân hàng, vận tải và kinh doanh chưa có các nhà cung cấp lớn và giá dịch vụ còn cao. Trong khi khung pháp lý cho kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam thì chưa đồng bộ và chồng chéo. Tới nay vẫn chưa có văn bản chung điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Về vấn đề thu hút đầu tư và đầu tư, theo ông Trịnh Minh Anh, nếu thực hiện tốt các điều khoản của Hiệp định thì vị trí đầu tư của Mỹ vào VN sẽ là số 1 chứ không phải là số 10 như hiện nay với 157 dự án và 1,6 tỷ USD. Nông nghiệp, xe hơi, dệt may, cơ sở hạ tầng viễn thông, năng lượng và giao thông... sẽ là những lĩnh vực hấp dẫn đầu tư của Mỹ. Tuy nhiên, cần cải cách môi trường đầu tư.

Chẳng hạn, quá trình cấp phép đầu tư của VN đang phức tạp hơn so với các nước khác. Tất cả các dự án đầu tư nước ngoài đều phải được cấp phép trong khi nhiều nước như Trung Quốc, Singapore chỉ cấp giấy phép cho một số lĩnh vực nhạy cảm cao. Nếu các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở VN muốn sửa đổi, điều chỉnh giấy phép lại phải thực hiện quy trình xin cấp phép từ đầu rất tốn kém thời gian và chi phí. VN cũng nên quan tâm tới việc đầu tư ra nước ngoài, trong đó có đầu tư tại Mỹ để tận dụng các cam kết đầu tư trong BTA.

Về quy chế nền kinh tế thị trường, việc Mỹ không công nhận nền kinh tế VN là nền kinh tế thị trường dẫn tới việc hạn chế năng lực thương mại của hàng hóa VN, và điều này cũng trái với các nguyên tắc của BTA.

Tương tự, việc áp dụng các rào cản thương mại vi phạm nguyên tắc của BTA như nhãn hiệu catfish, lạm dụng quy định về bán phá giá để áp dụng thuế chống bán phá giá với cá tra, cá basa và đe dọa áp dụng với tôm cũng vi phạm tinh thần tạo thuận lợi cho thương mại của BTA. Thủ tục xét cấp visa vào Mỹ cho thương nhân VN vào Mỹ rất khó khăn cũng gây cản trở cho hoạt động thương mại giữa hai quốc gia.

(Theo TBKTVN)