VN tham dụ HN về buôn bán nguời và tội phạm liên quan
Từ ngày 26 đến 28-2, tại Bali, Indonesia, đã diễn ra Hội nghị khu vực cấp bộ trưởng về nạn buôn bán người và tội phạm liên quan. Tham dự có đại diện 38 nước châu á - Thái Bình Dương, 15 nước khu vực khác dự với tư cách quan sát viên và một số tổ chức quốc tế.
Hội nghị thống nhất nhận định di cư bất hợp pháp và nạn buôn bán người, nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ em đang là vấn đề nóng bỏng không chỉ của từng quốc gia mà của cả khu vực và toàn cầu. Nghèo đói, thất nghiệp, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vấn đề môi trường, thiên tai, xung đột sắc tộc,... là những nguyên nhân chính của di cư bất hợp pháp. Vì lợi nhuận cao, những cá nhân và tổ chức tội phạm liên quốc gia đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để dụ dỗ, lừa đảo, tổ chức di cư bất hợp pháp và buôn bán người. Hội nghị kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế tăng cường hợp tác hơn nữa,
tìm các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn và chấm dứt di cư bất hợp pháp bằng việc loại trừ các nguyên nhân gốc rễ và đưa các cá nhân, tổ chức tội phạm liên quan ra pháp luật.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin dẫn đầu đã có những cuộc tiếp xúc với các đoàn đại biểu tham dự hội nghị. Ngoài các nguyên nhân kể trên, trong phát biểu Đoàn Việt Nam nhấn mạnh một nguyên nhân quan trọng dẫn đến di cư bất hợp pháp là ý đồ của một số thế lực bên ngoài cố tình kích động, tạo ra dòng người vượt biên trái phép, gây mất ổn định rồi chính trị hóa vấn đề nhằm lấy cớ can thiệp vào tình hình nước đó. Ngoài ra, Đoàn Việt Nam còn chia sẻ kinh nghiệm hợp tác hiệu quả của Việt Nam với Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và các nước trong việc thực hiện chương trình hành động toàn diện CPA (1989-1997), đã đưa hơn một trăm nghìn đồng bào vượt biên trái phép từ các trại ở Hồng Công và Đông-Nam á về nước và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Sự hợp tác đó được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp.
Trong thời gian Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã tiếp xúc, trao đổi ý kiến với Đoàn Indonesia, Đoàn Australia, hai nước đồng chủ trì hội nghị và một số đoàn khác. Ba đoàn Việt Nam, Cam-pu-chia và UNHCR đã gặp nhau và thỏa thuận ba bên sẽ sớm họp tại Hà Nội để trao đổi ý kiến, tìm các biện pháp tiếp tục hợp tác nhằm thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận ba bên ký ngày 21-1-2002 về việc hồi hương số đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia về nước.