Chân dung một tỷ phú trẻ người Việt Nam tại Mỹ

Tỉ phú trẻ người Việt Nam tại Mỹ: Người gầy dựng nên sản nghiệp 1,8 tỉ USD từ vốn liếng vỏn vẹn... 2 USD

Chuyện về một thanh niên người Việt đặt chân đến Mỹ với vỏn vẹn 2 USD trong túi, và rồi 15 năm sau, anh đã bán công ty riêng của mình với giá 1,8 tỉ USD đang trở thành huyền thoại trong thế giới công nghệ cao.

Câu chuyện thành công đầy ấn tượng của nhà doanh nghiệp trẻ người Việt tên làTrung Dung đang thu hút giới truyền thông Mỹ. Những bài viết về ông xuất hiện trên các báo và tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle... và trong cuốn sách Giấc mơ Mỹ của biên tập viên đài CBS Dan Rather.

Từ ước mơ của một người con hiếu thảo...

Bước ngoặt lớn đầu tiên đến với ông 20 năm trước đây khi ông là một chàng trai 17 tuổi.

Ông Trung Dung rời Việt Nam sang Mỹ năm 1984. Lúc bấy giờ, trong túi ông chỉ có vỏn vẹn 2 USD, và vốn tiếng Anh của ông cũng rất ít ỏi. Lúc đầu ông và người chị xin được lưu trú ở Louisiana, một nơi có khí hậu ấm áp, nhưng cuối cùng hai chị em lại được đưa đến Boston. Ông Dung gọi đó là số phận. Một năm sau, ông may mắn vượt qua được kỳ thi tương đương trung học và ghi tên học hai môn Toán và Tin học ở Trường Đại học Massachusetts ở Boston. Ông tiếp tục vừa học vừa làm đủ thứ công việc ở Boston, từ rửa chén bát trong nhà hàng đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính để nuôi sống bản thân và gia đình. Hàng tháng ông trích một phần ba khoản thu nhập - từ 300 đến 400 USD - để gửi về gia đình ở Việt Nam. Cuối cùng ông đã lấy được hai bằng đại học về toán và tin học, đồng thời hoàn tất một phần lớn chương trình cao học.

Cũng trong thời gian đó, mẹ ông bị bệnh ung thư, ông phải tạm dừng việc học để đi làm toàn thời gian hầu có tiền lo cho mẹ. Để giúp mẹ vượt qua những cơn đau, ông kể với mẹ về ước mơ thành lập một công ty, một công ty của riêng ông. Cuối năm 1995, sau khi mẹ ông mất, ông từ bỏ công việc chạy thử phần mềm để theo đuổi kế hoạch của ông: phát triển một chương trình có thể giúp các công ty chỉ đạo, kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua mạng. Do không có đủ tiền mua máy tính xách tay, ông đành phải gắn chiếc máy tính cá nhân cồng kềnh và màn hình 17-inches lên chiếc xe hơi Honda Civic rồi kéo lê nó đi từ nơi này đến nơi khác để giới thiệu phần mềm của mình. Nhưng do ông không có thành tích trong quá khứ, nên ông chẳng thể thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp. Vốn đã ốm yếu, ông lại càng ốm hơn do bị sụt cân và trở nên xanh xao vì mất ngủ do bị giằng xé giữa sức ép phải nuôi sống gia đình và thực hiện ước mơ của mình.

May mắn thay, một người bạn giới thiệu ông cho Mark Pine, nguyên là Ủy viên Ban Quản trị Sybase Inc. đã về hưu nhưng vẫn muốn nhảy vào ngành công nghệ kỹ thuật cao. Đó là một cơ hội khác mà Dung quyết định không để vuột mất. Đóng gói chiếc máy vi tính cồng kềnh và áo quần, Trung Dung đến nhà của Mark Pine ở Walnut Creek. Với kiến thức về máy tính, ông Trung Dung thành lập OnDisplay, chương trình giúp các doanh nghiệp lấy dữ liệu từ những vị trí khác trên mạng trong khi vẫn ở tại chỗ của mình.

Thành công

Được sự hỗ trợ của Mark Pine, OnDisplay trở thành một trong những công ty phần mềm thành công, thu hút những khách hàng như Travelocity.com. Ý tưởng của ông thuyết phục được các nhà đầu tư và ông đã có thể huy động được 35 triệu USD từ các nhà đầu tư trước khi chuyển sang cổ phần hóa. Và khi công ty chuyển sang cổ phần hóa (năm 1999), trị giá cổ phiếu của ông Trung Dung trên giấy tờ là 85 triệu USD. Năm tháng sau, công ty và thương hiệu của nó được chuyển nhượng cho Vignette với cái giá 1,8 tỉ USD. Ông Trung Dung không xác định rõ số cổ phiếu của ông là bao nhiêu, chỉ nói rằng “không nhiều như mọi người nghĩ”.

Câu chuyện của một Việt kiều từ số vốn 2 USD gầy dựng nên một sản nghiệp 1,8 tỉ USD có thể kết thúc ở đó. Nhưng không. Ở khu trường sở Bishop Ranch tại San Ramon, trong tòa cao ốc cạnh trụ sở cũ của OnDisplay, Trung Dung lại mở một công ty phần mềm mới, một công ty mà ông hy vọng sẽ làm lu mờ công ty đầu của ông.

Ông Trung Dung có thể “gác kiếm” sống cuộc đời vương giả, lái chiếc Porsche chạy vòng vòng, một trong rất ít vật dùng mà ông chi tiêu (“hoàn toàn phung phí tiền bạc”, ông đỏ mặt thừa nhận). Hiện nay ông đã lập gia đình, đi du lịch với vợ - người đang theo học bác sĩ chuyên ngành ung thư ở UC San Francisco. Ông cũng mua một ngôi nhà ở đó cho cha và một ngôi nhà ở Nam California cho bố mẹ vợ. Nhưng trong nhiều tháng dài, ông vẫn khao khát muốn bắt đầu một công ty khác.

Nhiều người cho rằng ông Trung Dung sẽ nghỉ ngơi để tận hưởng cuộc sống vương giả sau khi đã có một gia tài đồ sộ: 1,8 tỉ USD. Không hề có chuyện đó. Đó không phải là phong cách của ông Trung Dung. “Tôi hiểu rằng tôi đang trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến, nhưng tôi cố gắng để vẫn là tôi như trước đây, bằng cách luôn ghi nhớ về nơi mà tôi đã từ đó đến đây. Tôi chẳng bao giờ cho rằng chuyện gì là ăn chắc cả”.

Ông Trung Dung không hề dừng lại. Ông đầu tư 1 triệu USD tiền túi vào Fogbreak và tìm kiếm nguồn vốn, lần này thì dễ dàng hơn, từ những nhà đầu tư như Mark Pine. Với Fogbreak, ông Dung đặt mức yêu cầu cao hơn trước. Vừa là sáng lập viên, vừa đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành, ông muốn làm cho Fogbreak phát triển thành một công ty lớn và có lợi nhuận ngang ngửa với PeopleSoft nổi tiếng của Mỹ. Yu Hao Lin, cố vấn nghiệp vụ và đầu tư vốn ở San Jose, người đồng sáng lập Vietnamese Silicon Valley Network, mà Dung là giám đốc, từng hỏi ông hồi năm ngoái: “Anh đã làm ra được rất nhiều tiền, tại sao anh lại vẫn cứ muốn làm việc?”. Ông nhớ câu trả lời của Trung Dung: “Anh biết không, với mỗi 100.000 USD mà tôi làm ra được, thì tôi có thể làm được bao nhiêu điều tốt cho người dân Việt Nam?”.

Một ông chủ cần kiệm

Hiện nay Fogbreak vẫn đang đối mặt với những thách thức của thị trường kỹ thuật cao, đang tăng cao trong những tháng gần đây, nhưng không đến nỗi nóng bỏng như thời OnDisplay. Oracle Corp và PeopleSoft xích lại gần nhau trên thị trường phần mềm, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn còn thận trọng khi mua những sản phẩm của một công ty mới phát triển mà họ lo rằng sẽ không còn tồn tại trong những năm tới. Dung chẳng hề nhụt chí.

“Là một nhà doanh nghiệp, chúng ta không thể định giờ cho thị trường. Do đó, nếu bạn nghĩ rằng bạn có ý kiến hay, bạn cần phải biến nó thành hiện thực, bất kể thị trường đang lên hay xuống”.

Mark Pine: “Trung Dung là dạng người không để cho trở ngại ngăn chặn đường đi của anh”.

Trụ sở chính của Fogbreak, công ty mới của ông Trung Dung, chẳng chút tối tân, tiên tiến. Nó chẳng có chút gì đi đôi với một người vừa tạo lập một gia tài kếch xù. Chẳng có cô thư ký xinh đẹp chào đón khách ở tiền sảnh, mà chỉ có một số những phòng ngủ nhỏ trống rỗng với màu sắc và thiết kế giản dị. Từng cả gan thành lập công ty trong bối cảnh kinh tế suy sụp, ông Trung Dung hiểu rằng không được hoang phí trong chi tiêu. Thế nên ở Fogbreak, mỗi USD đều được chi tiêu một cách cẩn trọng. Ông Dung thà không có thư ký và một văn phòng xa hoa lộng lẫy để mà tập trung tất cả phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.

“Bạn không thể lấy hàng triệu USD của một công ty để làm ra một sản phẩm mà chẳng hề cảm thấy có trách nhiệm nếu như cuối cùng nó không hiệu quả”, ông Dung nói. Ông dùng 1 triệu USD tiền riêng để đầu tư cho Fogbreak.

Ông Dung hiểu rằng có một số người nghĩ rằng ông sẽ thành công một cách dễ dàng một khi ông đã đạt đến đỉnh cao và chẳng liều lĩnh để làm hỏng câu chuyện của một kẻ trắng tay trở thành tỉ phú.

Nhưng ông Trung Dung làm tất cả điều đó không chỉ vì tiền. Những người từng gặp ông Dung, nay đã là một tỉ phú, từng chỉ là một chàng thanh niên với hai bàn tay trắng miêu tả về ông: Khiêm tốn. Ông Dung là người biết nắm bắt cơ hội một cách nghiêm túc.

(Theo Thanh Niên)