Sự thật về vụ gây rối ở Tây Nguyên
Thanh Niên, Chủ Nhật ngày 18/04/2004
Sáng 10/4/2004, khoảng hàng ngàn đồng bào người dân tộc thiểu số gồm người già, thanh niên và trẻ em nam nữ thuộc các thôn của 39 xã của 17 huyện tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông đã dùng hơn 350 máy cày, máy kéo và hàng trăm xe máy, mang theo hung khí, gậy gộc và đá... kéo đến các địa điểm trung tâm của các địa phương nói trên để thực hiện cuộc gây rối với quy mô lớn.
Tại Đắk Lắk, những người đi gây rối chuẩn bị các thức ăn, nước uống trên xe, từ 30 thôn của các huyện Chư M'Ga, Krông Ana, và thành phố Buôn Mê Thuột, chia làm 4 hướng tiến về trung tâm thành phố, chứng tỏ cuộc đi gây rối có tổ chức khá chặt chẽ. Tại Gia Lai, những người đi gây rối tập trung vào các công sở của các xã và huyện... Dọc đường đi và tại điểm đến, những phần tử quá khích trong những người đi gây rối đã vào các chợ, trường học và nhà dân đập phá và cướp bóc lương thực thực phẩm, xô xát với dân chúng trong vùng và tấn công người thi hành công vụ.
Những người gây rối đã tạo ra tình hình hết sức căng thẳng, đe dọa cuộc sống bình yên và gây ảnh hưởng xấu đến công cuộc làm ăn của dân lành. Trước tình hình đó, lãnh đạo chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến các điểm nóng để lắng nghe ý kiến và kiên trì giải thích nhằm ổn định trật tự. Các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm ổn định tình hình và kiên trì kiềm chế trong việc ngăn chặn những hành vi quá khích của những người gây rối.
Thế nhưng đài BBC ngay lúc đó đã phát một bản tin xuyên tạc sự thật, trong đó nêu có "hàng chục đến hàng trăm người chết". Sau đó, chính đài này phải cải chính bằng cách rút lại bản tin đã phát. Một số phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài nhân đó đã dựng đứng lên cái gọi là vụ "đàn áp người Thượng theo đạo Tin lành" ở Tây Nguyên.
Căn cứ vào những thông tin có liên quan, có thể khẳng định cuộc gây rối là có tổ chức, do những thế lực thù hận với Việt Nam ở nước ngoài tiếp tay.
Tổ chức có liên quan trực tiếp trong vụ này phải kể tới là "Quỹ Người Thượng" ở Mỹ do Ksor Kok cầm đầu. Ngày 9/4, một ngày trước khi xảy ra cuộc gây rối và trên một trang web, tổ chức này đã báo trước: "Ngày 10/4 sẽ có hơn 150.000 người Thượng tổ chức một cuộc tuần hành bất bạo động để cầu kinh tại Tây Nguyên, chống lại việc nhà cầm quyền Việt Nam từ chối quyền tự do được tôn thờ Đức Chúa Trời". Ngay hôm bắt đầu diễn ra cuộc gây rối, Ksor Kok đã liên tục tung tin xuyên tạc, số liệu mà ông ta dựng đứng đã lên đến 2.000 người chết do bị "đàn áp".
Tiếp đó, Tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại New York, lại ra thông cáo lên án cái mà họ gọi là "bạo lực chống lại người Thượng trong tuần lễ Phục sinh tại một số tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam".
Sự thật của việc "đàn áp" này là như thế nào? Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, hậu quả tại thời điểm đó đã có 80 cán bộ, chiến sĩ thi hành công vụ bị đám đông quá khích dùng đá và hung khí đánh bị thương, trong đó có nhiều người bị trọng thương. Còn việc xô xát giữa những người đi gây rối với dân chúng bị gây rối cũng đã làm cho một số người bị thương tích, trong đó có 2 người chết. Trong 2 người chết, một người do chính những người gây rối ném đá chết, một người thì do máy cày của những người đi gây rối đè chết.
Lâu nay những người nhân danh bảo vệ "nhân quyền" thường rêu rao Việt Nam đàn áp tôn giáo, đàn áp dân tộc thiểu số. Vấn đề này thiết nghĩ không cần thiết phải đôi co, vì toàn dân Việt Nam và những tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam biết rõ hơn ai hết. Tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tự do theo tôn giáo hay không theo một tôn giáo nào ở Việt Nam được trân trọng ghi trong Hiến pháp và được thể hiện trong thực tế, thực tế đó quang minh chính đại đến mức một người như ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó tổng thống chế độ Sài Gòn cũ trong lần về thăm Việt Nam mới đây cũng phải quả quyết: "Việt Nam thực sự có tự do tôn giáo, đó là điều không ai chối cãi được".
Xin trở lại nguyên nhân của cuộc gây rối vừa diễn ra. Có thể khẳng định rằng, ngoài một số phần tử quá khích nhận tiền từ bên ngoài, hầu hết những đồng bào dân tộc tham gia vụ này đều bị dụ dỗ, lôi kéo. "Họ bảo chúng tôi đi, ra đó sẽ được cấp nhà ở, ai đi sớm sẽ được cấp nhà to ở mặt tiền, ai muốn đi Mỹ thì sẽ có máy bay đưa đi", nhiều người đã nói lý do mà họ tham gia vụ gây rối chỉ đơn giản như vậy. Họ còn được hứa hẹn rằng, ai đi biểu tình sẽ được cấp tiền, người lớn được cấp 20 ngàn đồng, trẻ em được 10 ngàn. Nhưng số tiền đó cũng đã bị những người xách động "quỵt" luôn.
Đó là tất cả sự thật về cái gọi là vụ "đàn áp người Thượng theo đạo Tin lành" ở Tây Nguyên.
Hoàng Hải Vân