"Chúng ta còn nói về hội nhập bằng ngôn ngữ khác nhau"

Ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị thương mại toàn quốc (ngày 22/7) tập trung chủ yếu vào vấn đề Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới. Có một điều đáng ngạc nhiên là dù nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhưng vẫn còn những cách suy nghĩ sai lệch...

Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, ông Huỳnh Văn Minh tỏ ra rất lo lắng khi Việt Nam đang trên ngưỡng cửa vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). "Chúng ta còn yếu trên nhiều phương diện, còn một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực chứ nói gì đến các nước tiên tiến khác. Coi chừng thua ngay trên sân nhà", ông Minh nói. Một trong những dẫn chứng được ông Minh đưa ra là từ khi có sự xuất hiện của hệ thống siêu thị bán sỉ Metro Cash and Carry (Đức), hoạt động buôn bán của các doanh nghiệp (DN) thành viên của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn gặp khó khăn. Ông Minh cho rằng: "Họ chấp nhận chịu lỗ để giành khách hàng, dùng khả năng tài chính để đầu tư chiều sâu, "lấy" người, "lấy" hàng hóa của chúng tôi. Trong khi là một DN nhà nước, chúng tôi không được phép lỗ, vì lỗ 2 năm liền là lên đường...".

"Mỗi DN tự phân tích khả năng cạnh tranh của đơn vị mình mà xây dựng một chiến lược hợp lý trong bối cảnh Việt Nam chịu nhiều sức ép trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới đầy thách thức nhưng cũng không ít cơ hội. Phải coi trọng thị trường nội địa vì đây là cơ sở cho hoạt động thương mại và tác động đến hoạt động xuất khẩu". Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển

Ở góc độ nhà quản lý, ông Trần Dũng - Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc nói: "Một chiếc xe Super Dream khi mới tung ra thị trường có giá trên 30 triệu đồng, sau mấy lần giảm giá bây giờ chỉ còn có một nửa. Vì sao DN được quyền điểu chỉnh giá nhiều như vậy, còn vai trò quản lý của nhà nước ở đâu? Hiện nay tình hình giá cả trên địa bàn, cơ quan quản lý nhà nước địa phương không thể nào quản lý nổi...".

Phó thủ tướng Vũ Khoan rất ngạc nhiên trước những quan điểm trên: "Chúng ta còn nói chuyện bằng ngôn ngữ khác nhau về hội nhập kinh tế, thương mại. Mà đã hiểu khác nhau thì mỗi nơi sẽ có cách xử lý khác nhau. Cần phải thống nhất với nhau về nhận thức mới có thể làm việc được". Theo Phó thủ tướng, lĩnh vực phân phối trước sau gì chúng ta cũng phải mở cửa. Vì vậy, Chính phủ thí điểm cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào đây như hệ thống siêu thị bán lẻ Cora và hệ thống siêu thị bán sỉ Metro Cash and Carry. "Tôi đi khảo sát thấy đất của ta, người của ta và hàng hóa cũng của ta, nhưng vì sao họ làm được mà chúng ta lại không? Điều này các DN phải suy nghĩ; và cũng vì chưa làm được nên mới để họ vào làm, chúng ta học hỏi công nghệ của người ta...", Phó thủ tướng băn khoăn.

Còn về vấn đề hàng hóa tăng giá, theo Phó thủ tướng, Chính phủ không thể can thiệp trực tiếp như trước đây vì là cơ chế thị trường nên giá cả tăng, giảm theo cung cầu. Nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Đến 80% nguồn nguyên liệu cho sản xuất phải nhập khẩu thì khi bên ngoài tăng, chúng ta không thể kềm xuống được. Công việc của cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể làm công tác dự báo, điều tiết chính sách vĩ mô, tổ chức hệ thống phân phối...

Phó thủ tướng cảnh báo: "Hiện nay thị trường dịch vụ DN trong nước gần như bỏ ngỏ dù nó chiếm đến 40% GDP. Tôi đã thử hỏi và tất cả các thứ trưởng đều không thể trả lời được trong lĩnh vực mình phụ trách có bao nhiêu ngành dịch vụ theo tiêu chuẩn của WTO! Thị trường Việt Nam với trên 80 triệu dân là thị trường lớn mà DN nước ngoài rất thèm, không tận dụng là quá sai sót. Đồng thời, không việc gì phải e ngại khi hội nhập. Chúng ta phải trên tinh thần tiến công mới hội nhập được, thắng được".

Báo Thanh Niên, 22/7/2004