Kỷ lục mới của xuất khẩu

Một tin có thể nói là rất vui khi vào giữa tháng tám, xuất khẩu của nước ta tiếp tục đạt được kỷ lục mới.

Không vui sao được, khi chỉ trong một tháng tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 2,3 tỉ USD và tính chung 8 tháng đã đạt gần 16,8 tỉ USD, không những cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay, mà còn lớn hơn mức xuất khẩu của cả năm từ năm 2002 trở về trước.

Không vui sao được, trong khi Mỹ hết đưa ra kiện bán phá giá cá ba sa, đưa ra hạn ngạch hàng dệt may lại đến kiện bán phá giá tôm của Việt Nam, tuy có làm giảm kim ngạch những mặt hàng này vào Mỹ, nhưng lại có nhiều mặt hàng khác được xuất khẩu vào Mỹ để bù vào như đồ gỗ, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ và ngay những mặt hàng bị sút giảm khi xuất khẩu vào Mỹ đã được chuyển hướng sang các thị trường khác không kém hấp dẫn. Rồi EU lại kiện về bán phá giá xe đạp, nhưng kim ngạch xuất khẩu xe đạp vẫn tiếp tục đạt được tốc độ tăng kỷ lục.

Không vui sao được, khi mà ai cũng tưởng với chi phí đầu vào tăng lên gấp bội, lại thêm do giá dầu tăng cao làm chi phí vận chuyển đội lên, nhưng xuất khẩu vẫn liên tục đạt được kỷ lục mới, chứng tỏ sức cạnh tranh của hàng hóa cũng đã khá lên.

Không vui sao được, khi các nhà hoạch định chính sách vĩ mô đang lo lắng về tốc độ tăng trưởng kinh tế khó đạt được mục tiêu đề ra, thì xuất khẩu vốn đã là lối ra, nay lại là một yếu tố rất quan trọng để bù vào sự sút giảm tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp do gặp rét, hạn, dịch cúm gà, để khắc phục một xu hướng không bình thường là tỷ trọng dịch vụ đã giảm trong nhiều năm, nay có thể sẽ không giảm nữa và sẽ có đà tăng lên trong những năm tới, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung.

Xuất khẩu đạt được kỷ lục mới không chỉ là tin vui mà còn cho ta những bài học kinh nghiệm quý báu để có những niềm vui lớn hơn trong thời gian tới. Khi xuất khẩu còn ít thì chưa có vấn đề gì, nhưng khi đã tăng cao và nhiều lên đến một mức độ nhất định thì gần như chắc chắn các đối tác sẽ dựng lên những rào cản kỹ thuật để hạn chế; chúng ta cần tránh những rào cản mang tính kỹ thuật này, đặc biệt quan tâm đến vấn đề luật pháp có liên quan. Để tránh những hàng rào này và tránh những rủi ro về giá cả, không nên "bỏ trứng vào một giỏ", cần rải ra ở nhiều mặt hàng, ở nhiều thị trường, nhất là những thị trường đầy tiềm năng như châu Phi chẳng hạn...

Tuy đạt được kỷ lục mới, nhưng chúng ta cũng không quên nhập siêu vẫn còn lớn. Đáng lưu ý, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước đã gia tăng cả về kim ngạch tuyệt đối (từ 3.988 triệu USD lên 5.083 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (từ 59,6% lên 65,7%). Điều đó chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước chưa tận dụng được tối đa cơ hội các nước cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu, trái lại thách thức còn tăng lên khi nước ta cũng phải cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo hiệp định đã ký kết. Cần nhớ rằng nhập siêu là kẻ thù của doanh nghiệp.

                                                   Theo báo Thanh Niên, 27/8/2004