Quy định mới ngăn chặn nạn nhũng nhiễu, nhận quà

Thanh Niên, Thứ Bẩy, 11/06/2005 - 9:36 PM

Ngày 11/6, QH đã họp nghe trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và biểu quyết thông qua 3 dự án luật mới gồm Luật Du lịch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất nhập khẩu. Cùng ngày, QH cũng đã nghe và thảo luận dự án Luật Thi đua, khen thưởng.

Nhũng nhiễu cũng là tham nhũng

Dự luật PCTN có nhiều chương, điều cụ thể, chi tiết và mới hơn nhiều so với Pháp lệnh Chống tham nhũng hiện hành. Đáng chú ý là dự án luật này đã bổ sung một số hành vi tham nhũng “có tính phổ biến thực tiễn” mà hiện nay Pháp lệnh PCTN và Bộ luật hình sự chưa đề cập tới, ví dụ như các hành vi: đưa hối lộ, môi giới hối lộ (do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện) để giải quyết việc công; nhũng nhiễu trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức quyền đặt ra quy định trái pháp luật để vụ lợi hay cản trở các hoạt động phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng...

Điểm nổi bật nhất trong dự án Luật PCTN chính là những quy định chặt chẽ hơn để ngăn ngừa tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Điều 35 của dự án luật đã quy định rõ 7 hành vi mà cán bộ, công chức không được phép làm như: không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, trường học, bệnh viện tư...; không được làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh về các công việc có liên quan đến bí mật công tác hoặc công việc thuộc thẩm quyền của mình. Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề người đó trực tiếp phụ trách…

Điều 39 của dự án luật cũng đã quy định việc nhận quà tặng đối với cán bộ, công chức. Theo đó, dự luật quy định “nghiêm cấm các cơ quan, các công ty nhà nước, các tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước sử dụng tài sản và ngân sách Nhà nước làm quà tặng”, “nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận quà tặng của doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi quản lý trực tiếp của mình”. Mức quà được phép nhận và mức nào trở lên phải nộp lại do Chính phủ quy định chi tiết.

Điều 32 của dự luật đặt ra yêu cầu hoán chuyển cán bộ, công chức ở những vị trí dễ xảy ra tham nhũng như các nơi quản lý tiền hàng, cấp phép: Hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, trong cơ quan thẩm tra dự án luật - Uỷ ban Pháp luật của QH có một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy chưa đầy đủ, cần phải bổ sung thêm quy định về hoán chuyển công việc với những người làm công tác tổ chức cán bộ, bố trí nhân sự vì đây cũng là mảng dễ dẫn đến tham nhũng, hối lộ do nạn “ chạy chức, chạy quyền”.

Với trên 80% số phiếu tán thành, trong ngày 11/6, QH đã thông qua 3 dự án luật: Luật Du lịch, Luật Khoáng sản, Luật Bổ sung một số điều của Luật Thuế Xuất nhập khẩu.

Đáng chú ý là Ban soạn thảo sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã tiếp thu hoàn toàn ý kiến về trách nhiệm của cơ quan hoàn thuế nếu chậm hoàn thuế. Theo đó, khoản 2, Điều 20 của dự luật được viết lại như sau: “Nếu việc chậm hoàn thuế là do lỗi của cơ quan nhà nươc có thẩm quyền xét hoàn thuế thì ngoài số tiền phải hoàn còn phải trả tiền lãi kể từ ngày chậm hoàn thuế cho đến ngày được hoàn thuế theo mức lãi suất vay ngân hàng thương mại tại thời điểm hoàn thuế”.

Cùng ngày, QH cũng đã thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng. Đa số ý kiến nhất trí với nội dung dự luật. Theo đó, danh hiệu vinh dự Nhà nước được bổ sung thêm danh hiệu “Tỉnh anh hùng” và “Thành phố anh hùng”.

Tài sản không rõ nguồn gốc sẽ bị sung công

Dự án Luật PCTN đã lần đầu tiên quy định rõ nghĩa vụ kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức, đại biểu QH, hội đồng nhân dân các cấp, lãnh đạo, cán bộ quản lý của các doanh nghiệp nhà nước, người giữ chức vụ quản lý trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức có thụ hưởng ngân sách; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan công an... Theo đó, các loại tài sản của các đối tượng trên “có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị của các tài sản cùng loại từ 50 triệu đồng trở lên, “kể cả tài sản của vợ (hoặc chồng), con cái họ đều phải kê khai" và “nếu tài sản kê khai không giải thích được nguồn gốc có thể bị sung công”. Theo điều 51 của dự luật, nếu “người kê khai không trung thực và không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tài sản sẽ bị xử lý kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên”. Cũng với lỗi này, người ứng cử đại biểu QH, Hội đồng nhân dân nếu mắc phải thì bị “loại khỏi danh sách bầu cử”.

Một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của QH lại cho rằng quy định về kê khai tài sản của cả vợ hoặc chồng, con cái trong cùng hộ khẩu của các đối tượng trên là “không phù hợp với quy định quyền có tài sản của công dân đã ghi trong Bộ luật Dân sự và trong Luật Hôn nhân và gia đình”; bởi vì “vợ hoặc chồng, con cái là chủ thể độc lập với người có chức vụ, quyền hạn”. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Khiển - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, “cũng có ý kiến cho rằng, đã là cán bộ, công chức thì cần phải chịu những ràng buộc nhất định khác với công dân bình thường” và quy định như dự thảo là hợp lý.

Ý kiến khác nhau về Ban chỉ đạo PCTN

Đọc báo cáo thẩm tra dự án Luật PCTN tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Vũ Đức Khiển nói: “Đọc quy định về Ban chỉ đạo PCTN, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật không tán thành việc thành lập Ban này do địa vị pháp lý của cơ quan này không rõ ràng; các quy định trong dự thảo chưa làm rõ các nguyên tắc, mối quan hệ và cách thức hoạt động của Ban chỉ đạo nên không hình dung được hoạt động của ban này”. Theo dự luật thì Ban chỉ đạo PCTN Trung ương sẽ bao gồm: Thủ tướng Chính phủ (Trưởng ban), lãnh đạo các Bộ, ngành tư pháp, đại diện một số Ban của Đảng, Bộ  trưởng Tài chính, Tổng Kiếm toán Nhà nước... Ông Khiển nói: “Thực tế, chúng ta có quá nhiều ban chỉ đạo nhưng hoạt động đều kém hiệu quả”. “Ngay trong lĩnh vực PCTN trước đây cũng đã có tổ chức Ban chống tham nhũng nhưng rồi cũng phải giải thể vì không hiệu quả”, ông nói thêm. Tuy nhiên, ngay chính trong Ủy ban Pháp luật của QH, ý kiến về vấn đề này cũng còn rất khác nhau.

Cũng theo ông Vũ Đức Khiển, mặc dù hoan nghênh ban soạn thảo có nhiều cố gắng trong việc xây dựng dự án luật rất quan trọng này nhưng ông cũng nói: “Không nên quá kỳ vọng vào việc ban hành Luật PCTN là có thể giải quyết ngay các hạn chế trong việc PCTN hiện nay”. Ủy ban Pháp luật đề nghị QH “trước mắt ra một nghị quyết với các biện pháp cụ thể, thiết thực để phát động một cuộc đấu tranh PCTN trong các cơ quan, tổ chức và nhân dân và giao cho Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn”. “Đây sẽ là bước đầu để tiến tới xây dựng một đạo luật PCTN có hiệu quả”, ông Khiển tin tưởng.

5 năm, xử lý hình sự 2773 phần tử tham nhũng

Theo báo cáo của 47 tỉnh, thành phố và 20 bộ, ngành thì từ năm 2000-2004, đã phát hiện và xử lý 8.851 vụ tham nhũng với trên 12.438 người. Thiệt hại do tham nhũng gây ra là 2422 tỷ đồng, 6,9 triệu USD, 5.142 chỉ vàng và nhiều tài sản có giá trị khác. Tổng số cán bộ có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật hành chính là 9.665, người trong đó, lãnh đạo cấp bộ và cán bộ cấp tỉnh là 151 người, lãnh đạo và cán bộ ở doanh nghiệp nhà nước là 569 người... Đã xử lý hình sự 2773 người có hành vi tham nhũng. Số liệu phân tích của 27 tỉnh và 3 bộ ngành cho thấy: lãnh đạo Bộ và cán bộ cấp tỉnh bị xử lý là 73 người, lãnh đạo và cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước là 309 người, cán bộ cấp xã và đơn vị trực thuộc các bộ là 433 người...

(Theo báo cáo tổng kết thực hiện Pháp lệnh chống tham nhũng của Chính phủ)

Ngoài các quy định trên, Dự án Luật PCTN cũng có nhiều quy định đáng chú ý như: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức mình quản lý thì bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; những người nào “sửa đổi trái pháp luật các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn sẽ bị xử lý kỷ luật” hoặc “sử dụng vượt mức quy định của pháp luật (về tiêu chuẩn, định mức) sẽ phải bồi hoàn phần lợi ích hưởng cao hơn pháp luật quy định và phải chịu kỷ luật”…

Mạnh Quân