Trợ lý BT NG trả lời về kết quả cuộc họp 3 bên VN-CPC-UNHCR

Ngày 25/1/2002, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình đã
trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về kết quả cuộc họp ba bên Việt Nam - Căm-pu-chia- UNHCR
tại Phnôm-pênh ngày 21 tháng 1 năm 2002 với nội dung như sau:



1. Xin ông cho biết mục đích của cuộc họp ba bên Việt Nam - Căm-pu-chia - UNHCR về vấn đề người dân tộc thiểu số vượt biên sang Căm-pu-chia vừa được tổ chức ở Phnôm-pênh và ý nghĩa của những thoả thuận đã đạt được.

Trả lời : Như chúng ta đã biết, việc một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia xuất phát từ ý đồ nham hiểm của một số thế lực thù địch Việt Nam ở nước ngoài. Chúng kích động một số phần tử gây mất ổn định tại một vài địa phương ở Tây Nguyên, lôi kéo một số đồng bào vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia hòng tạo nên một dòng người ra đi rồi thu xếp cho một số trong đó đi định cư ở nước thứ ba như chúng đã từng làm trước đây. Bằng cách đó, chúng vừa vu cáo Nhà nước ta đàn áp, vi phạm nhân quyền, vừa gây mất ổn định tình hình ở các địa phương đó, tiếp tục chống phá ta.

Trong tình hình đó, cuộc gặp ba bên ở Phnôm-pênh vừa qua
trước hết nhằm hồi hương số đồng bào hiện đang sống trong tình trạng hết sức khó khăn và tạm bợ trong các lán trại ở biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia, nhanh chóng đưa bà con trở lại quê hương để sớm ổn định cuộc sống, đồng thời qua đó làm sáng tỏ sự thật và chính sách của Nhà nước ta đối với đồng bào và các vùng dân tộc ít người, vạch trần ý đồ xấu xa của các thế lực thù địch. Việc UNHCR khẳng định tuyệt đại bộ phận những người vượt biên trái phép này đều muốn hồi hương, cam kết tích cực phối hợp với Việt Nam và Căm-pu-chia để giúp đồng bào ta nhanh chóng hồi hương là bằng chứng rõ ràng góp phần làm thất bại một bước những ý đồ đen tối nói trên.

2/ Đề nghị cho biết vai trò của UNHCR trong việc giải quyết vấn đề này là gì và vì sao UNHCR lại được giành cho vai trò đó?

Trả lời : Trước hết, việc giải quyết vấn đề những người vượt biên trái phép nói trên là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Căm-pu-chia, vì vậy hai nước đóng vai trò chính, còn UNHCR sẽ giúp đỡ phương tiện cho việc hồi hương và hỗ trợ một phần lương thực và tài chính cho những người trở về. UNHCR đánh gía cao chính sách của Nhà nước ta nhằm ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân tại các địa phương có người ra đi và hứa sẽ hỗ trợ cho các địa phương đó một số dự án phúc lợi xã hội quy mô nhỏ.

Việc ta dành cho UNHCR vai trò nhất định nói trên xuất phát từ thực tế là UNHCR đang cung cấp lương thực và tiện nghi sinh hoạt tối thiểu cho những người vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia và UNHCR đã từng phối hợp đưa trên 100 nghìn đồng bào ta từ Hồng Kông và các nước Đông Nam á trở về, giúp họ tái hoà nhập và thực hiện có hiệu quả nhiều dự án phúc lợi xã hội ở Việt Nam trong chương trình hành động toàn diện (1989-1996). UNHCR đã đánh giá đó là chương trình thành công nhất, là mẫu mực của sự phối hợp giữa một nước với một tổ chức quốc tế của Liên Hợp quốc.

Mặt khác, theo đánh giá của đại diện UNHCR, đã có những thông tin thiếu chuẩn xác và bị bóp méo về tình hình Tây Nguyên dẫn đến việc một số người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia và gây trở ngại cho việc hồi hương những người này. Vì vậy, UNHCR đề nghị Việt Nam cho phép nhân viên UNHCR được đến thăm một số gia đình và địa phương có người ra đi để có thể cung cấp những thông tin xác thực cho những người đã vượt biên trái phép, giúp họ yên tâm trở về, kết hợp tìm hiểu nhu cầu ở những nơi này để có kế hoạch hỗ trợ.

Để tỏ rõ thiện chí, Việt Nam đã đồng ý để nhân viên UNHCR thăm một số địa phương ở Tây Nguyên theo sự thu xếp của các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương của Việt Nam.

3/ Chính sách của Nhà nước ta đối với những người trở về như thế nào?

Trả lời : Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là ưu tiên phát triển các vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào các dân tộc ít người sinh sống, trong đó có Tây Nguyên, nhằm sớm thu hẹp khoảng cách về trình độ kinh tế và mức sống với các vùng khác của đất nước.

Đối với việc một số đồng bào vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia, chúng ta cho rằng hầu hết bà con là những người dân vô tội, do thiếu hiểu biết nên bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo vượt biên, phải sống trong những điều kiện hết sức khó khăn. Vì vậy, chính sách của Nhà nước ta là trước hết tạo mọi điều kiện để đồng bào sớm ổn định cuộc sống, có điều kiện tham gia vào việc phát triển quê hương. Việc hồi hương sẽ được thực hiện một cách an toàn và tôn trọng nhân phẩm của đồng bào. Chính phủ đã khẳng định không phân biệt đối xử và không có bất cứ sự trừng phạt nào vì lý do vượt biên trái phép./.