EU gia hạn thuế bán phá giá với giày Việt Nam
(VNA) Hãng tin Pháp AFP dẫn một nguồn tin từ Brussels của Bỉ cho biết Liên minh châu Âu (EU), thị trường lớn nhất thế giới, ngày 17/12 đã quyết định kéo dài thêm 15 tháng thời gian áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Theo nguồn tin trên, việc gia hạn thuế chống bán phá giá, lần đầu tiên được áp dụng cách đây hơn 3 năm, đã được các quốc gia thành viên EU nhất trí, bất chấp sự phản đối của nhiều nước, trong đó Anh là nước phản đối mạnh nhất.
Quyết định này sẽ được chuyển thành luật khi các bộ trưởng môi trường EU nhóm họp vào ngày 22/12 tới - thời hạn cuối cùng để nó được hợp thức hóa.
Trong các cuộc thảo luận hồi tháng trước về đề xuất gia hạn thuế chống bán phá giá của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hoạch định chính sách và điều tiết thị trường EU, đã có 15 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU lên tiếng phản đối kế hoạch này.
Ủy ban tư vấn chống bán phá giá của EU cũng đã bỏ phiếu phản đối việc gia hạn thuế. Tuy nhiên, ngày 30/11, EC đã chính thức đề xuất kéo dài việc áp thuế sau khi Áo, Đức và Malta thay đổi lập trường và quyết định "bỏ phiếu trắng", tạo điều kiện để quy định trên được thông qua với tỷ lệ đa số.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho hay Anh và sáu quốc gia khác muốn bãi bỏ các mức thuế này đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định trên.
Những loại thuế chống bán phá giá giày dép đã tạo ra một sự chia rẽ mạnh mẽ trong lòng EU kể từ khi nó được áp dụng để "hạn chế các sản phẩm giày dép giá rẻ từ Trung Quốc và Việt Nam chiếm lĩnh thêm thị phần của các nhà sản xuất nhỏ ở châu Âu", đặc biệt là tại Italy và Tây Ban Nha.
Mức thuế mà EC áp đặt với giày dép từ Trung Quốc là 16,5% và Việt Nam là 10%. Nhiều quốc gia thành viên EU đã mô tả loại thuế này là "theo chủ nghĩa bảo hộ". Nhiều nhà bán lẻ giày dép lớn khác như Clarks và Adidas cũng đã phản đối các biện pháp này của EC.
Việc EC áp các biểu thuế chống bán phá giá trong hơn 3 năm qua, cùng với việc loại bỏ ngành giày dép khỏi diện được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2009-2011, đã gây nhiều thiệt hại cho ngành giày da của Việt Nam cũng như đời sống của hơn 650.000 lao động trong ngành này.
Việc EC áp thuế đi ngược lại chính sách chung mà EU vẫn tuyên bố, là thúc đẩy tự do hóa thương mại, chống sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ và làm giảm hiệu quả của các chương trình trợ giúp xóa đói, giảm nghèo mà EC và các nước thành viên EU dành cho Việt Nam, tác động tiêu cực tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và EU.
Thực tế cũng chứng minh, việc áp các mức thuế chống bán phá giá này không phục vụ cho lợi ích chung cho cộng đồng châu Âu, đặc biệt lợi ích của người tiêu dùng châu Âu. Nhiều dư luận đánh giá đề xuất của EC về việc tiếp tục áp thuế là không khách quan, không công bằng và vô lương tâm./.