Vấn đề dân tộc thiểu số tại Việt Nam

(BNG) Việt nam có 54 dân tộc anh em nói hàng chục ngôn ngữ, 12 tôn giáo, trong đó có các tôn giáo lớn của thế giới. Với truyền thống yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước không xảy ra xung đột sắc tộc hoặc tôn giáo. Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quyền của các nhóm thiểu số, cũng như việc tăng cường khối đoàn kết dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Điều 5, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 nêu rõ: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Chính phủ Việt nam đã có nhiều chính sách, cơ chế và các biện pháp để đảm bảo đời sống, các quyền của các nhóm người thiểu số: Nghị quyết 30a của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), các chương trình chăm sóc sức khỏe, sách giáo dục và đào tạo cho đồng bào DTTS, chính sách văn hóa bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc….
Với sự quan tâm, chính sách, biện pháp ưu tiên nêu trên của Nhà nước, cùng với tinh thần nỗ lực, cố gắng của đồng bào các dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc đã có bước chuyển biến, tiến bộ đáng kể, cuộc sống của đồng bảo dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, quyền của các dân tộc thiểu số ngày càng được đảm bảo. Cụ thể:
Về chính trị
Đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện quyền tham chính của mình thông qua việc thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Đại biểu đại diện cho các dân tộc thiểu số tham gia ngày càng đông đảo trong hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ngày càng gia tăng. Năm 1992, Quốc hội khóa IX có 66/395 đại biểu người dân tộc thiểu số, chiếm 16,75%. Đến năm 2009. Quốc hội khóa XII có 87/493 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 17,65%.
Về phát triển kinh tế:
Với nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo được triển khai trên địa bàn vùng dân tộc đã không nghừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc. Tỷ lệ nghèo trong dân tộc thiểu số đã giảm hẳn, tỷ lệ nghèo giảm từ 86,4% năm 1993 xuống còn 50,3% năm 2008.
Kết cấu hạ tầng ở vùng dân tộc phát triển nhanh chóng, kịp thời phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc. Năm 1992, vùng dân tộc và miền núi mới chỉ có 60% xã có đường ô tô đến trung tâm xã (cả nước là 85%), đến hết năm 2008, tỷ lệ này là 96% (cả nước là 98,9%). Hầu hết các huyện đều có trung tâm y tế, trường trung học cơ sở.  Chính sách an sinh xã hội được quan tâm góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là về điều kiện nhà ở, đất ở và nước sinh hoạt.
Về giáo dục đào tạo
Luật Giáo dục quy định Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học và sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Ưu tiên, tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.
Về y tế
Nhà nước ưu tiên ngân sách để củng cố, mở rộng mạng lưới y tế, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là y tế cơ sở vùng khó khăn, vùng xa sôi hẻo lánh. Hiện nay 100% số xã có trạm y tế và cán bộ y tế, 100% huyện đã có trung tâm y tế và bác sỹ.
Về văn hóa
Chính phủ Việt Nam chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đến hết năm 2008, 100% xã đặc biệt khó khăn đã có trạm truyền thanh. Các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc đã có tác dụng tích cực đến đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Hiện nay tỷ lệ hộ dân được nghe đài, phát thanh đạt 90%, tỷ lệ được xem truyền hình đạt hơn 80%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc đảm bảo tốt hơn nữa quyền con người, trong đó có quyền của các nhóm thiểu số. Hơn 30 năm chiến tranh đã để lại hậu quả về nhiều mặt, đất nước bị chiến tranh tàn phá. Bên cạnh đó, dân trí của người dân còn hạn chế; địa hình đất nước phức tạp, nhiều vùng có khí hậu khắc nghiệt, hay gặp thiên tai...