HN các nhà lãnh đạo kinh tế APEC


Theo phóng viên TTXVN tại Thượng Hải, ngày 21-10, Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự ngày cuối cùng của hội nghị hằng năm lần thứ chín các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn kinh tế châu á-Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).

Tại phiên bế mạc, hội nghị đã thông qua Thỏa thuận Thượng Hải và Tuyên bố chống khủng bố.

Thỏa thuận Thượng Hải khẳng định lại mục tiêu của APEC về tự do hóa thương mại giữa các thành viên phát triển vào năm 2010 và giữa các thành viên đang phát triển sau đó mười năm theo như các mục tiêu đề ra tại hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Indonesia năm 1994.

Để đạt được mục tiêu trên, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí rằng tầm nhìn về tự do thương mại đề ra tại Indonesia năm 1994 phải được "nâng cấp và mở rộng" để tăng tới mức cao nhất lợi ích của các nền kinh tế thành viên; kêu gọi có các kế hoạch hành động tập thể và cá nhân đối với cải cách và tăng cường khả năng xây dựng đối với một loạt lĩnh vực; chương trình nghị sự của APEC phải chú trọng hơn đến sự hợp tác giữa các Bộ trưởng Tài chính nhằm cải thiện sự điều hành kinh tế; Các nhà lãnh đạo APEC chỉ thị cho các quan chức xác định những hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện phát triển thương mại; nhất trí phát triển hơn nữa các chính sách thương mại nhằm thúc đẩy sự phát triển "kinh tế mới"; các quan chức APEC sẽ phải trao đổi thông tin về vấn đề này trong năm tới và xem xét các mục tiêu phát triển có liên quan chiến lược thương mại APEC tại hội nghị cấp bộ trưởng năm 2002 ở Mexico; thúc đẩy việc thông qua những chính sách thương mại phù hợp nền kinh tế mới; triển khai các nguyên tắc thuận lợi hóa thương mại; thông qua các nguyên tắc về tính minh bạch; tăng cường các nỗ lực hợp tác kinh tế - kỹ thuật Ecotech và xây dựng năng lực.

Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy mạnh mẽ và bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả các sáng kiến Ecotech, đặc biệt là những vấn đề mang tính liên ngành như xây dựng năng lực con người, đồng thời cũng thấy sự cần thiết phải khuyến khích việc đưa những ưu tiên đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cực nhỏ vào tất cả các chương trình nghị sự của APEC. Các nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các thành viên tự nguyện tham gia quá trình này cần tăng cường quan hệ với các tổ chức tài chính song phương, đa phương và tư nhân nhằm tránh trùng lặp trong khi thực hiện các chương trình xây dựng năng lực. Các nhà lãnh đạo chỉ thị cho các bộ trưởng và quan chức cấp cao đẩy mạnh các hoạt động Ecotech và báo cáo về tiến triển trong lĩnh vực này tại Hội nghị Bộ trưởng APEC năm 2002.

Các nhà lãnh đạo APEC cũng đã thông qua Tuyên bố về chống khủng bố, lên án mạnh mẽ các cuộc tiến công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11-9-2001; bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và chia buồn tới các nạn nhân thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và gia đình họ, tới nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chống khủng bố và khẳng định Liên hợp quốc cần đóng vai trò chính, ngăn chặn và dập tắt tất cả các hình thức khủng bố trong tương lai theo tinh thần Hiến chương Liên hợp quốc và Luật pháp quốc tế. Các nhà lãnh đạo thấy phải tăng cường hợp tác chống khủng bố trong điều kiện cụ thể của từng nền kinh tế thành viên. Cụ thể như: cắt các nguồn tài chính cho bọn khủng bố, tăng cường an ninh về hàng không và cầu cảng; bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ các ngành công nghiệp chủ chốt như: viễn thông, giao thông, y tế và năng lượng; giúp các nền kinh tế thành viên thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống khủng bố.

Chiều 21-10, Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đã bế mạc. Trước khi rời Hội nghị APEC, Thủ tướng Phan Văn Khải một lần nữa cảm ơn Chủ tịch Giang Trạch Dân và các quan chức nước chủ nhà Trung Quốc đã dành cho Thủ tướng và Đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, nồng hậu và đã làm hết sức mình cho sự thành công tốt đẹp của hội nghị. Thủ tướng cho rằng Hội nghị APEC lần này được tổ chức hết sức chu đáo, công phu, với sự tham gia đầy đủ các nhà Lãnh đạo APEC.