Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII làm việc tại Hoa Kỳ

 

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, đoàn công tác gồm các thành viên của Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII của Đảng do Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã tới thủ đô Washington D.C ngày 10/9 và có các buổi làm việc với Ngân hàng thế giới (WB), Viện Brookings, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Asia Group nhằm trao đổi và nghiên cứu thực tiễn chính sách tại Hoa Kỳ cũng như tổng hợp góp ý của các chuyên gia nhằm chuẩn bị cho chiến lược phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam trong thời gian sắp tới. 

 

Trong các buổi làm việc và tiếp xúc với các lãnh đạo, chuyên gia của các tổ chức trên, hai bên đã đề cập tới nhiều chủ đề như bối cảnh và xu thế toàn cầu, mục tiêu và tầm nhìn; giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; địa chính trị Biển Đông; chiến lược "Vành đai và con đường" của Trung Quốc và Sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Hoa Kỳ.

 

 

Đối với lĩnh vực kinh tế, các chuyên gia cho rằng các xu hướng của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2021-2030 sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam với những cơ hội và thách thức.

 

Nền kinh tế thế giới sẽ giảm tốc và điều đó mang tính chu kỳ. Sẽ không có giải pháp toàn cầu, các nước sẽ phải đưa ra giải pháp của riêng mình và Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi về ngắn hạn và trung hạn do Việt Nam có những lợi thế.

 

Trong giai đoạn 2020-2030, mặc dù dân số Việt Nam sẽ già đi, nhưng lại là điểm vàng của dân số. Bên cạnh đó, Việt Nam có khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt, có lãi suất ổn định.

 

Theo các chuyên gia, để khai thác được những cơ hội trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều động lực kinh tế, nhưng cần cân nhắc động lực mới và khu vực kinh tế tư nhân sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mới.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần cải thiện về tài chính trong dài hạn, tăng cường sự đa dạng về sáng tạo, đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng suất, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cải cách về mặt định chế ngay tại thời điểm này và giải quyết nợ, đăc biệt cần tận dụng tăng trưởng của dịch vụ và mở rộng thương mại về dịch vụ.

 

Các chuyên gia cũng khẳng định Việt Nam được hưởng lợi ngắn hạn trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do có sự chuyển dịch đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên về dài hạn, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc dịch chuyển đến Việt Nam sẽ quay trở lại Trung Quốc. Ngoài ra, tại các buổi làm việc, các bên cũng thảo luận một loạt các vấn đề khác giúp Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

 

Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII của Đảng là bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc tổng hợp ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2021 đến 2030 và phương hướng phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 đến 2025.

 

Tổ biên tập có trách nhiệm nghiên cứu và đưa ra được những phương hướng phát triển của đất nước thông qua những kiến nghị đột phá nhưng không phiêu lưu mà trên nền tảng cơ sở khoa học.

 

Đặc biệt là mọi việc đều đặt trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng khi những biến động trên thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, trước hết là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung./.