Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về chính sách dân tộc

Vấn đề dân tộc và miền núi luôn luôn có vị trí
chiến lược trong sự nghiệp cách mạng nước ta (*)


Hòa chung không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm lần thứ 56 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hôm nay, chúng ta cùng nhau họp mặt kỷ niệm trọng thể lần thứ 55 Ngày thành lập Nha Dân tộc thiểu số, cơ quan tiền thân của ủy ban Dân tộc và Miền núi ngày nay.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng sự có mặt của những đại biểu tiêu biểu cho 54 dân tộc anh em từ mọi miền đất nước. Xin nhiệt liệt chào mừng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động. Xin nhiệt liệt chúc mừng các vị đại biểu, các đồng chí đại diện cho các thế hệ cán bộ đã từng tham gia công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương và toàn thể các đồng chí. Nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương sự đóng góp to lớn của toàn thể đồng bào các dân tộc vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Thưa đồng bào và các đồng chí,

Cách đây 55 năm, ngày 3-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Nội vụ, bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số. Tiếp đó, ngày 9-9-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số.

Như vậy chỉ một năm sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc đã được thành lập. Chức năng và nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số
được xác định trong Sắc lệnh Bác Hồ đã ký là "xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong
nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam". Để phụ trách công việc quan trọng này, từ đó đến nay trong Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều có một cơ quan chuyên trách để nghiên cứu, theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện chính sách dân tộc. Các cơ quan này trong từng thời kỳ cách mạng dù với tên gọi khác nhau nhưng đều nhằm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng.

Thưa đồng bào và các đồng chí,

Việt Nam là quốc gia có nhiều thành phần dân tộc. Truyền thuyết "một bọc trăm trứng" của dân tộc Việt Nam là truyền thuyết thiêng liêng về các thành phần dân tộc trên đất nước ta có chung một cội nguồn lịch sử. Nhiều dân tộc "nhưng tất cả các dân tộc anh em đều sống chan hòa trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đại đoàn kết và thống nhất". Mỗi dân tộc trên đất nước ta đều có sắc thái văn hóa riêng, nhưng hòa quyện vào nhau cùng nhau chung đúc nên nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, ngày nay là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đoàn kết và thống nhất "là truyền thống quý báu nghìn đời của dân tộc Việt Nam ta". Đoàn kết và thống nhất là nhân tố hàng đầu quyết định sự trường tồn và phát triển của đất nước ta, dân tộc ta. "Bài học đoàn kết mà Bác Hồ đã khẳng định "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công đại thành công" không chỉ là lời hiệu triệu đối với đồng bào, chiến sĩ ta, mà còn là định hướng của Đảng về chính sách đại đoàn kết dân tộc". Ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh của mình, Đảng ta đã chỉ rõ: "Đoàn kết các dân tộc bình đẳng, tương trợ để tranh thủ độc lập, tự do và hạnh phúc chung...". Đoàn kết dân tộc luôn luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ chiến lược trong các thời kỳ cách mạng.

Nhìn lại những chặng đường phát triển của cách mạng, chúng ta thấy Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến địa bàn miền núi và vùng dân tộc thiểu số". Chúng ta đều biết miền núi của
nước ta chiếm 3/4 diện tích tự nhiên, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Miền núi có ý nghĩa chiến lược không chỉ về mặt kinh tế - xã hội mà cả quốc phòng - an ninh. "Miền núi là nơi đã ghi biết bao kỷ niệm sắt son nghĩa tình của đồng bào các dân tộc với Bác Hồ, với cách mạng từ những ngày còn trong trứng nước". Trong thư gửi đồng bào các tỉnh Việt Bắc nhân dịp Quốc khánh 2-9-1947, Bác Hồ đã viết: "Tôi không bao giờ quên được, trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng ai cũng hăng hái giúp đỡ. Mặc dầu Tây và Nhật thẳng tay khủng bố, nó đốt làng, nó phá nhà, nó bắt người, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết giúp đỡ cách mệnh. Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo, cho đến anh em Hoa kiều, người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo. Có những đồng bào nhịn ăn nhịn mặc, bán trâu bán ruộng để giúp tôi làm cách mệnh. Thật là quý hóa vô cùng".

Tình cảm cao đẹp đó của đồng bào các dân tộc đối với cách mạng, với Bác Hồ ngày càng được tô đậm trong lịch sử những năm dài kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Trong sự nghiệp cách mạng giữ nước của dân tộc, vị trí của miền núi vô cùng quan trọng và công lao của đồng bào các dân tộc thiểu số là vô cùng lớn lao.

Chúng ta quên sao được những tháng năm khởi đầu của cách mạng, rồi chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên địa bàn miền núi đã ghi nhiều chiến công chói ngời mà tiêu biểu là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng một nửa đất nước, đưa miền bắc tiến lên xây dựng CNXH, là cống hiến có ý nghĩa thời đại, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Qua 21 năm gian khổ chống Mỹ, cứu nước, địa bàn miền núi vẫn là căn cứ kháng chiến và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tây - bắc, đông - bắc, đồng bằng sông Cửu Long, trung Trung Bộ... một lòng theo Đảng làm cách mạng, không tiếc công sức, tiền của và cả tính mạng của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. "Nhiều người con ưu tú của đồng bào các dân tộc thiểu số đã chiến đấu hy sinh anh dũng, trở thành những tấm
gương chói ngời của dân tộc".

Thưa đồng bào và các đồng chí,

Vấn đề dân tộc và miền núi luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta.

Thấy rõ vị trí cực kỳ quan trọng của địa bàn miền núi và công lao to lớn của đồng bào các dân tộc, mấy chục năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Mục tiêu, nhiệm vụ đó đã
được xác định rất rõ trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng. Đại hội lần thứ IX của Đảng vừa qua một lần nữa xác định rõ rằng "vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng". Đại hội đã chỉ rõ phải "Thực hiện tốt chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất hàng hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói, giảm nghèo, mở mang dân trí, giữ gìn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt quan tâm vùng gặp nhiều khó khăn, vùng trước đây là căn cứ cách mạng và kháng chiến. Tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số. Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương. Chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc; chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc...".

Đối với miền núi, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2001-2010 cũng đã định rõ phương hướng và kế hoạch phát triển cho tất cả các vùng, cho tây-bắc, đông-bắc, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa.

Nhìn lại chặng đường đổi mới 15 năm qua, chúng ta thấy trong tiến trình phát triển chung của đất nước, miền núi và vùng dân tộc đã có những chuyển biến đáng kể. Đặc biệt là hơn 10 năm qua, từ khi có Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng dân tộc thiểu số, chúng ta đã đạt được những thành tựu khá rõ về nhiều mặt. Nhìn chung nông thôn miền núi đã đổi thay từng bước. Cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào khá hơn những năm trước đây. Sản xuất nông, lâm nghiệp đã có bước tiến mới, miền núi đã cơ bản giải quyết được nhu cầu lương thực. Có những vùng đã bắt đầu sản xuất hàng hóa bằng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và chăn nuôi. Nạn phá rừng làm nương đã giảm, rừng đang được khôi phục, độ che phủ của rừng đã tăng lên. Đường giao thông, nguồn điện, nguồn nước cho sản xuất, cho sinh hoạt và các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, trạm bưu điện, nhà văn hóa.. đã được mở mang đến vùng sâu, vùng xa. Mấy năm gần đây do giải quyết được nguồn điện, nên đời sống tinh thần, văn hóa ở miền núi đã được cải thiện một bước. Phần lớn đồng bào vùng cao, vùng sâu đã được nghe đài, xem phim, xem truyền hình, được đọc sách báo. Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa mà chúng ta quen gọi là Chương trình 135, qua gần ba năm thực hiện, đã đưa lại những kết quả đáng ghi nhận và chứng tỏ đây là một chủ trương, chính sách đúng, có hiệu quả, hợp lòng dân.

Có được những thành tựu kể trên, trước hết là công lao to lớn của đồng bào, của các đảng bộ và chính quyền các cấp ở miền núi và vùng các dân tộc thiểu số. Đồng thời cũng là công sức của các cấp, các ngành, đoàn thể ở trung ương, của đồng bào cả nước, của các đơn vị quân đội nhân dân, bộ đội biên phòng và công an nhân dân đóng quân trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, cần phải thừa nhận rằng còn những việc chưa làm được hoặc làm chưa có hiệu quả. Thế mạnh, tiềm năng kinh tế, văn hóa ở miền núi chưa được khai thác tốt. Chúng ta chưa tạo ra được những điều kiện cần thiết cho miền núi phát triển toàn diện và đồng bộ. Sản xuất ở miền núi vẫn còn lúng túng trong việc xác định phương hướng sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bao nhiêu năm nay, chúng ta tập trung giúp đồng bào thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất tự cấp, tự túc chuyển sang canh tác theo khoa học kỹ thuật và sản xuất hàng hóa. Hiện nay, hàng nghìn trang trại kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi ở miền núi đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và đã tạo ra hàng hóa phong phú. Nhưng nhiều nơi rừng cây đồng bào trồng đã đến ngày khai thác mà chưa có nơi tiêu thụ; một số sản phẩm như cà-phê, hạt điều, trái cây thì giá cả không ổn định. Mặt khác, do điều kiện tự nhiên của miền núi không thuận, thiên tai lại thường xuyên xảy ra, bão lũ, hạn hán vẫn là trở ngại lớn cho sản xuất và đe dọa cuộc sống của đồng bào. Cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động dịch vụ về văn hóa, giáo dục, y tế, nhất là đội ngũ cán bộ cho cơ sở miền núi còn nhiều bất cập. Trong khi đó các thế lực thù địch không từ bất kỳ một thủ đoạn nào để khoét sâu những khó khăn của chúng ta, gây chia rẽ và kỳ thị giữa các dân tộc nhằm phục vụ những mục tiêu đen tối của chúng. Bởi vậy, tôi mong rằng, đồng bào và các đồng chí ở các cấp, các ngành, các địa phương, bên cạnh việc khẳng định rõ những thành tự đã đạt được là to lớn, là rất đáng phấn khởi, cũng cần nghiêm túc, tỉnh táo nhìn nhận, đánh giá hết những khó khăn, thiếu sót để từ đó tìm ra các giải pháp cụ thể đáp ứng yêu cầu trước mắt, đồng thời có kế hoạch phát triển lâu dài cho miền núi và đồng bào các dân tộc trong tương lai.

Những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra không cho phép chúng ta chờ đợi hoặc do dự. Để góp phần thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 2001 và nhiều năm tiếp theo, chúng ta cần ưu tiên đầu tư và tập trung chỉ đạo nhiều hơn đối với miền núi. Chủ
trương về xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi đã
được Đại hội lần thứ IX của Đảng xác định rõ ràng, cụ thể, vấn đề làm sao đưa nghị quyết vào cuộc sống. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu nắm vững Nghị quyết Đại hội Đảng để tuyên truyền đến đồng bào trong từng xã, từng buôn làng, thôn, bản; các cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng thể chế hóa nghị quyết của Đảng thành chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Chúng ta phải làm cho cán bộ và đồng bào hiểu rõ: "Đảng ta trước sau như một, luôn luôn coi vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Đây là vấn đề rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng".

ủy ban Dân tộc và Miền núi là cơ quan vừa có trách nhiệm tham mưu về đường lối, chính sách chung và chính sách cụ thể cho Trung ương Đảng, vừa có nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý, điều hành việc thực hiện chính sách dân tộc. Nhiệm vụ và trách nhiệm đó rất nặng nề. ủy ban cần bám sát Nghị quyết Đại hội IX để
trước hết kiện toàn bộ máy tổ chức từ trung ương xuống các địa
phương, và nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, xem xét việc gì đã làm được, chưa làm được để xây dựng chương trình hành động phù hợp với tình hình đang đặt ra. Yêu cầu bộ máy của ủy ban phải không cồng kềnh, không hình thức, nội dung hoạt động phải cụ thể, thiết thực. ở địa phương cần có cơ quan chuyên trách công tác dân tộc nhưng hình thức và nội dung hoạt động phải phù hợp đặc điểm từng địa phương. Công tác dân tộc thực chất là công tác vận động quần chúng các dân tộc thiểu số. Vì vậy, "cán bộ làm công tác dân tộc phải bám sát cơ sở, hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào, và nêu được những giải pháp thiết thực giúp Đảng và Nhà nước xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc". Cán bộ làm công tác dân tộc cần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng quyền lực để bớt xén nguồn kinh phí Nhà nước cấp cũng như các nguồn kinh phí khác phục vụ miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Muốn cho công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc đạt được hiệu quả cao, quyền làm chủ của đồng bào được thực hiện và dân chủ ở cơ sở được phát huy, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cần quan tâm nhiều hơn đến công tác giám sát việc thực hiện và triển khai các chính sách dân tộc và miền núi từ các bộ, ngành trung ương đến các địa phương và cơ sở. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cần dựa vào HĐND các tỉnh để thực hiện chức năng giám sát. Trong quá trình này, Hội đồng Dân tộc cần phát hiện những lệch lạc, thiếu sót trong thực hiện và những điều
chưa hợp lý để bổ sung, điều chỉnh kịp thời các chính sách cụ thể về miền núi và dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta: "Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất: đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào". Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra phương châm, nguyên tắc cho cán bộ làm công tác dân tộc và miền núi là "đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được". Làm theo lời Bác, chúng ta phải không ngừng phấn đầu, rèn luyện đạo đức, tác phong của người cán bộ, người đảng viên làm công tác vận động quần chúng, vận động đồng bào các dân tộc. Mỗi cán bộ cần ra sức học tập, nghiên cứu để nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời bám sát tình hình thực tế ở cơ sở thì mới tuyên truyền, vận động quần chúng có hiệu quả thiết thực. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị ở các địa phương miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là một khâu then chốt, một nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra với các cấp, các ngành, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thưa đồng bào và các đồng chí,

Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống của cơ quan làm công tác dân tộc và miền núi, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà
nước, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những đóng góp tích cực của đội ngũ những người tham gia làm công tác dân tộc, nhất là những cán bộ cơ sở, những già làng, trưởng bản, trưởng thôn, các chiến sĩ quân đội, bộ đội biên phòng, công an, các thầy giáo, cô giáo, thầy thuốc, các nhà khoa học đã tận tụy đem hết sức mình vào việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện
đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Tôi kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, các bộ, các ngành, đoàn thể trung ương, các thành phố, các tỉnh đồng bằng, với khả năng của mình hãy hướng lên phục vụ miền núi, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, giữa vùng cao với vùng thấp, giữa đồng bào thiểu số với đồng bào Kinh.

Với tinh thần đó, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam sẽ ngày càng được tăng cường và củng cố vững mạnh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, vững bước tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, khẳng định chân lý "Nước Việt Nam là một; Dân tộc Việt Nam là một".

Chúc toàn thể các vị đại biểu, đồng bào và các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc.

(*) Đầu đề là của báo Nhân Dân.