Phát biểu khai mạc của TBT tại HN TƯ lần thứ ba
Hà Nội (Ttxvn 14/8/2001)
Toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 9 như sau:
" Theo thông lệ, sau Đại hội toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp để bàn và quyết định Quy chế và Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương. Căn cứ vào kết quả chuẩn bị các đề án, Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương lần này để thảo luận và quyết định thông qua Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của ủy ban Kiểm tra Trung ương; Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa 9. Tại Hội nghị này Bộ Chính trị cũng trình Trung ương thảo luận và quyết định vấn đề tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị, xã hội trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất
nước ta.
Để bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện đúng Điều lệ Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng và bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy ban Kiểm tra Trung ương phải có quy chế làm việc đúng đắn, khoa học.
Các quy chế làm việc là các văn bản xác định nguyên tắc lãnh đạo, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ và lề lối làm việc của mỗi cơ quan, mỗi chức danh, vị trí trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, là cơ sở bảo đảm cho các tổ chức đảng và các thành viên trong các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả, đúng nguyên tắc, Điều lệ của Đảng. Đồng thời qua hoạt động thực tiễn, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các quy chế cũng nhằm tăng cường vai trò và hiệu lực lãnh đạo của Đảng với toàn xã hội, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, cải tiến lề lối, tác phong công tác, giảm bớt hội họp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan lãnh đạo của Đảng.
Để chuẩn bị dự thảo các Quy chế trình Hội nghị Trung ương thảo luận, quyết định; Bộ Chính trị đã lập Tổ biên tập dự thảo Quy chế, đã nghiên cứu rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Bộ Chính trị các khóa trước, nhất là khóa 8; đã tổ chức các cuộc họp ở hai miền để tranh thủ ý kiến đóng góp của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, của một số đồng chí ủy viên Trung ương khóa Ix và nguyên ủy viên Trung ương. Dự thảo quy chế lần này có sự kế thừa, tiếp thu nội dung Quy chế làm việc của các khóa trước, có bổ sung, phát triển và cụ thể hóa nhiều nội dung mới để làm rõ thêm trách nhiệm, quyền hạn, chế độ công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ủy viên Trung ương; của ủy ban Kiểm tra Trung ương và của các thành viên ủy ban Kiểm tra Trung ương. Các khóa trước, Ban Chấp hành Trung ương chỉ bàn và quyết định Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, còn Quy chế làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của ủy ban Kiểm tra Trung ương do Bộ Chính trị quyết định. Lần này Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương quyết định cả Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của ủy ban Kiểm tra Trung ương nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát của Ban Chấp hành Trung ương đối với hoạt động của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã chỉ đạo việc lấy ý kiến các đồng chí ủy viên Trung ương để xây dựng Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương. Chương trình làm việc toàn khóa trong nhiệm kỳ này được xây dựng dựa trên cơ sở Nghị quyết Đại hội 9 của Đảng, Căn cứ vào Điều lệ Đảng, vào dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 và có tiếp thu những ý kiến đóng góp cụ thể của một số đồng chí ủy viên Trung ương khóa 9, một số đồng chí lãnh đạo các ban, ngành Trung ương.
Vấn đề cơ bản và quan trọng nhất trong việc xác định chương trình làm việc của các cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng là phải làm rõ, xác định đúng những vấn đề gì thuộc về trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương; những vấn đề gì thuộc trách nhiệm của Bộ Chính trị, của Quốc hội, Chính phủ...; đồng thời phải sắp xếp hợp lý trình tự thời gian để Trung ương bàn và quyết định những vấn đề ấy. Đây là một yêu cầu quan trọng mà Hội nghị chúng ta phải thảo luận để có quyết định đúng đắn.
Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương lần này cũng phải khắc phục được một trong những khuyết điểm, hạn chế trong hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương là ra nhiều nghị quyết nhưng chưa chú ý đầy đủ việc tổ chức chỉ đạo thực hiện để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Theo tinh thần đó, việc kiểm điểm thực hiện một số nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương các khóa trước, nhất là khóa 8 và kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX vào giữa nhiệm kỳ sẽ là một nội dung lớn trong chương trình làm việc của Trung ương. Đây là một sự đổi mới, cải tiến để góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng.
Vấn đề sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu qủa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước luôn là mối quan tâm lớn của Đảng suốt từ các Đại hội 6,7,8 là vấn đề rất hệ trọng và bức xúc hiện nay, vì nó có tác động trực tiếp đến việc sử dụng và phát huy nguồn nội lực to lớn của đất nước, bảo đảm cho kinh tế nhà nước làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa và tham gia có kết quả vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Do đó Bộ Chính trị khóa 8 đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ chuẩn bị qua nhiều bước; sau Đại hội 9 đã được cập nhật các thông tin, nhận định và chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội, các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để bổ sung và hoàn chỉnh để trình Ban Chấp hành Trung ương.
Cần nhấn mạnh rằng: hiện nay ý kiến chung trong Đảng đều thống nhất về sự cần thiết phải sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, nhưng tiến hành sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước như thế nào, bằng cách nào thì còn có những nhận thức và ý kiến khác nhau. Chính điều này đã có ảnh hưởng nhất định tới việc chỉ đạo thực hiện trong thức tế. Vì vậy tại Hội nghị Trung ương lần này, đề nghị mỗi đồng chí chúng ta thực sự phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn trao đổi để thống nhất đánh giá đúng thực trạng tình hình, tìm ra các giải pháp tốt nhất để sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, xác định được mô hình tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp một cách hợp lý nhằm nâng cao vai trò tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp. Vì đây là vấn đề vừa khó, vừa bức xúc hiện nay nên chúng ta không thể cầu toàn. Tôi đề nghị Ban Chấp hành Trung ương tập trung xem xét những vấn đề đã nêu trong tờ trình và gợi ý thảo luận của Bộ Chính trị; đối với những vấn đề đã rõ, có tính khả thi thì sẽ kết luận và ra nghị quyết để thực hiện; còn những vấn đề chưa rõ, cần tiếp tục nghiên cứu và khi điều kiện đã chín muồi thì phải kịp thời xem xét quyết định.
Những vấn đề mà Hội nghị Trung ương lần này bàn và quyết định là những vấn đề rất quan trọng. Nội dung của từng vấn đề Bộ Chính trị đã thảo luận, có tờ trình, đề án và dự thảo nghị quyết đã và sẽ gửi các đồng chí. Mong các đồng chí, từng người, trong các phiên họp ở tổ hoặc phiên họp toàn thể đều bày tỏ ý kiến của mình, có như vậy mới phát huy hết trí tuệ tập thể của Ban Chấp hành Trung ương để giải quyết có hiệu quả các vấn đề đã đặt ra.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tin tưởng Hội nghị của Chúng ta sẽ thành công tốt đẹp"./.