Việt Nam ủng hộ Công ước năm 1982 về Luật biển
(Ttxvn 28/10/2000)
Chính phủ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển và luôn coi Công ước này là khuôn khổ cho các hoạt động quốc gia, khu vực và toàn cầu trong các vùng biển và thềm lục địa, Đại sứ Phạm Bình Minh, Phó trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc đã phát biểu như vậy tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 55 về đề mục 34 "các đại dương và Luật về biển", ngày 26/10, tại New York.
Đại sứ đánh giá cao nỗ lực to lớn và đóng góp quý báu của Cơ quan phụ trách các vấn đề đại dương và Luật biển (Cơ quan về các vấn đề luật pháp) và các thể chế quốc tế liên quan đến vấn đề "các đại dương và Luật biển" trong năm nay.
Điều vô cùng quan trọng là Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển phải được các nước thành viên thực hiện nghiêm chỉnh. Theo Công ước này, các nước thành viên phải tôn trọng chủ quyền, các quyền về chủ quyền và quyền hạn của nước khác đối với vùng biển, thềm lục địa và các vùng đặc khu kinh tế của nước đó. Những hoạt động, tuyên bố và thoả thuận đơn phương của các nước phải triệt để tôn trọng các điều khoản của Công ước. Do đó, Việt Nam coi những gì đi ngược lại các điều khoản của Công ước và các phụ trương của nó là không có giá trị.
Là một nước thành viên của Công ước, Việt Nam luôn tôn trọng các điều khoản của Công ước và thực hiện những cam kết quốc tế của mình; vì thế, Việt Nam yêu cầu các thành viên khác cũng làm như vậy.
Dựa vào các điều khoản của Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển, Chính phủ chúng tôi tiếp tục thông qua các luật và quy định mới và sửa đổi những luật đã lỗi thời cho phù hợp giữa luật quốc gia và luật quốc tế về biển. Trong khi thực hiện chương trình quốc gia về các vấn đề biển, Chính phủ chúng
tôi dành ưu tiên cao cho việc giáo dục nhân dân về việc làm thế nào khai thác tốt nhất, cũng như quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển và môi trường. Chúng tôi cũng tập trung phát triển hợp tác khu vực và quốc tế trong công cuộc nghiên cứu khoa học biển, chuyển giao kỹ thuật, đánh cá, thăm dò và khai thác dầu.
Đại sứ nhấn mạnh rằng với mong muốn tạo ra môi trường thuận lợi dựa vào sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau đối với việc giải quyết những tranh chấp tương lai về các đường ranh giới biển trong khu vực Biển Đông, Việt Nam đang nỗ lực hợp tác với Trung Quốc và các nước thành viên khác trong Hiệp hội các nước Đông Nam á (Asean) để xây dựng luật ứng xử trên Biển Đông và ủng hộ hoàn toàn Tuyên bố Asean 1992 và Tuyên bố Asean-trung Quốc 1997 về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Cuối cùng, Đại sứ khẳng định lại sự sẵn sàng hợp tác đầy đủ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện có hiệu qủa Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển và cam kết sẽ thúc đẩy chế độ trật tự về đại dương trên tinh thần hiểu biết và hợp tác như đã nêu trong Công ước.