Chủ Tịch Trần Đức Lương hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Clinton



Hà Nội (Ttxvn 17/11/2000)

Sáng ngày 17/11/2000, sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tiến hành hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ W.J.Clinton.

Tham dự hội đàm về phía Việt Nam có: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Cảnh Dinh, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường Chu Tuấn Nhạ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Trương Khánh Châu và Đại sứ nước ta tại Hoa Kỳ Lê Bàng.

Về phía Hoa Kỳ có: Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam P.Peterson, Chánh Văn Phòng Tổng thống John Podesta, Cố vấn của Tổng thống về An ninh Quốc gia Samuel R.Berger, Cố vấn của Tổng thống về kinh tế quốc gia Gene Sperling, Quyền Bộ trưởng Bộ cựu binh Hershel Gober, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông á-thái Bình Dương Stanley Roth và Cố vấn đặc biệt của Tổng thống về châu á Jack Pritchard.

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Hoa Kỳ W.J.Clinton và phu nhân cùng các vị khách Hoa Kỳ lần đầu tiên sang thăm Việt Nam độc lập và thống nhất, coi chuyến thăm là bước phát triển mới trong quá trình cải thiện quan hệ giữa hai nước. Chủ tịch bày tỏ hy vọng rằng chuyến đi sẽ đánh dấu việc mở ra mối quan hệ mới giữa hai nước-mối quan hệ hợp tác và hữu nghị lâu dài dựa trên các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, không làm tổn hại quan hệ của mỗi nước với bất kỳ bên thứ ba nào và góp phần củng cố hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam á, khu vực châu á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã giới thiệu những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới hơn 14 năm qua. Về kinh tế, từ chỗ bị khủng hoảng kinh tế - xã hội và thiếu lương thực trầm trọng vào cuối những năm 80, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới và đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm trên 7% trong suốt những năm 90. Bên cạnh những thành tựu trong phát triển kinh tế, Việt Nam coi trọng và đã đạt được nhiều thành công lớn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế...

Chủ tịch khẳng định lại chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam cũng như chủ trương Việt Nam muốn làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, cùng phấn đấu vì hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển. Việt Nam ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và các nước lớn.

Về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Chủ tịch đã bày tỏ sự hài lòng về những bước cải thiện quan hệ giữa hai nước trong 8 năm qua, nhất là việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995 và việc ký Hiệp định thương mại song phương vào tháng 7/2000 và nhấn mạnh những phát triển đó phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước. Chủ tịch đánh giá cao vai trò và đóng góp cá nhân của Tổng thống W.J. Clinton trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Chủ tịch Trần Đức Lương vạch rõ: để đi tới tương lai, hai nước không thể không nhìn lại quá khứ. Cuộc chiến tranh đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho Việt Nam. Nhân dân Việt Nam cho rằng Chính phủ Hoa Kỳ cần có một sự nhìn nhận về trách nhiệm đối với những mất mát to lớn mà nhân dân Việt Nam đã phải chịu đựng. Trước mắt, Việt Nam cho rằng phía Hoa Kỳ cần quan tâm đúng mức và có sự đáp ứng thích đáng đối với những vấn đề nhân đạo của Việt Nam, cụ thể là hợp tác trong việc tìm kiếm tin tức của những người Việt Nam mất tích; rà phá và vô hiệu hóa số bom, mìn chưa nổ; tẩy độc các căn cứ quân sự cũ bị nhiễm độc và nhất là trợ giúp cần thiết cho các nạn nhân của chất độc màu da cam và những vấn đề nhân đạo khác do chiến tranh để lại.

Chủ tịch khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam coi vấn đề tìm kiếm tin tức quân nhân Hoa Kỳ bị mất tích trong chiến tranh là vấn đề nhân đạo và nhắc lại cam kết của Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề này.

Tổng thống W.J.Clinton đã cám ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho gia đình ông và phái đoàn Hoa Kỳ sự tiếp đón trọng thị. Tổng thống W.J.Clinton cám ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giúp phía Hoa Kỳ giải quyết vấn đề tìm kiếm tin tức quân nhân Hoa Kỳ bị mất tích trong chiến tranh. Tổng thống cho rằng những gì đã đạt được trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là cơ sở để tiếp tục mở rộng các quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là về kinh tế - thương mại.

Tổng thống Hoa Kỳ cho rằng bước sắp tới là hai nước cần nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định Thương mại tay đôi đã ký tháng 7/2000 và cam kết trong ba năm tới sẽ trợ giúp kỹ thuật trị giá 2 triệu đô la mỗi năm cho Việt Nam để thực thi Hiệp định này, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tổng thống Hoa Kỳ hứa sẽ xem xét việc tăng cường các nỗ lực giúp đỡ Việt Nam trong việc rà phá bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác nghiên cứu về tác hại của chất độc màu da cam đối với thiên nhiên và con người Việt Nam cũng như đối với các cựu binh Hoa Kỳ đã tham chiến ở Việt Nam. Tổng thống W.J.Clinton đã trao cho Chủ tịch Trần Đức Lương một số đĩa vi tính chứa 360 ngàn trang tài liệu quân sự cũ của Hoa Kỳ mà theo phía Hoa Kỳ có thể giúp ích cho việc tìm kiếm tin tức của những người Việt Nam bị mất trong chiến tranh và hứa sẽ cung cấp tài liệu về những địa điểm Hoa Kỳ đã tàng trữ chất độc hóa học trong thời gian chiến tranh.

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống W.j.clinton đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Hợp tác Khoa học và Công nghệ và Bản ghi nhớ về hợp tác lao động giữa Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội của Việt Nam với Bộ Lao động Hoa Kỳ. Hai văn kiện này do Bộ trưởng Bộ Khoa học-công nghệ và Môi trường Chu Tuấn Nhạ và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng thay mặt cho Chính phủ Việt Nam và Ngài P.Peterson, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam thay mặt cho Chính phủ Hoa Kỳ ký kết./.