Thu tuong Phan Văn Khai tiếp xúc song phuong tai Singapore


(Ttxvn 25/11/2000)

Trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao Asean không chính thức lần thứ 4 tại Singapore từ 24 đến 25/11/2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với Thủ tướng Singapore Go Chok Tong, Tổng thống Hàn Quốc Kim Te Chung, Thủ tướng Thái Lan Chuan Leekpai, Thủ tướng Nhật Bản Y. Mori và Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ.

Tại các cuộc gặp gỡ, Thủ tướng Phan Văn Khải và các vị lãnh đạo của các nước nói trên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi ý kiến về các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế thương mại và đầu tư, cũng như tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, đặc biệt là hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với 3 nước Đông Bắc á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thủ tướng Phan Văn Khải bày tỏ hài lòng trước những bước tiến mới của mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước nói trên cũng như những phát triển tích cực trong quan hệ giữa các nước ASEAN và các nước Đông Bắc á, khẳng định trên cương vị Chủ tịch ủy ban thường trực ASEAN và Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Việt Nam sẽ làm hết sức mình để tăng cường hơn nữa hợp tác có hiệu quả giữa các nước ASEAN với nhau và giữa Asean với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các vị lãnh đạo của Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chuyển lời thăm hỏi tới các vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam; chia buồn với nhân dân Việt Nam về những thiệt hại về
người và của ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong đợt lũ lụt vừa qua, đánh giá cao những thành tựu của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất
nước, hoan nghênh những đóng góp tích cực của Việt Nam trên
cương vị Chủ tịch ủy ban thường trực Asean nhằm tăn cường sự hợp tác trong các nước Asean và giữa Asean với 3 nước ở Đông Bắc á; khẳng định sẽ tăng cường sự hợp tác với các nước ASEAN, tích cực hỗ trợ các nước ASEAN đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động Hà Nội, hỗ trợ các nước thành viên mới thu hẹp khoảng cách phát triển, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ việc thực hiện các dự án trong khuôn khổ ASEAN về phát triển tiểu vùng Mê-kông và Hành lang Đông Tây.


Hà Nội (Ttxvn 25/11/2000)
Theo đặc phái viên Ttxvn, sáng 25/11, tại Singapore, các
Trưởng đoàn Asean đã lần lượt gặp và làm việc với các Trưởng đoàn Trung Quốc- Thủ tướng Chu Dung Cơ, Trưởng đoàn Nhật Bản- Thủ tướng Y. Mori và Trưởng đoàn Hàn Quốc- Tổng thống Hàn Quốc Kim Te Chung trong khuôn khổ gặp cấp cao Asean+1.

Các thành viên Asean bày tỏ hài lòng về bước phát triển nhanh chóng và có hiệu quả trong quan hệ Asean+ Trung Quốc những năm gần đây, nhất là từ khi Trung Quốc trở thành nước đối thoại đầy đủ của Asean năm 1996 và cho rằng Tuyên bố chung Cấp cao Asean- Trung Quốc năm 1997 đã đánh dấu bước phát triển mới về chất trong quan hệ hợp tác phát triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-tài chính. Trao đổi thương mại Trung Quốc - Asean tăng bình quân 20%/năm trong những năm 90; năm 1999 đạt 27 tỷ Usd. Hiện Asean là bạn hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc. Khi một số thành viên Asean gặp khủng hoảng kinh tế-tài chính (1997-1998), Trung Quốc không phá giá đồng nhân dân tệ và đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng về hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở khu vực.

Thủ tướng Chu Dung Cơ đã thông báo quyết định của Chính phủ Trung Quốc tăng đóng góp vào Quỹ hợp tác Asean - Trung Quốc lên 5 triệu Usd (trước là 700.000 Usd) để tài trợ cho các dự án hợp tác; và đóng góp 200.000 Usd cho Quỹ Asean. Trung Quốc đã sẵn sàng tham gia các dự án phát triển Tiểu vùng Mê-kông; là thành viên sáng lập của Chương trình Asean về hợp tác phát triển lưu vực Mê-kông (Ambdc)...

Các thành viên Asean đã đề nghị Trung Quốc quan tâm hơn nữa và tham gia hợp tác cùng có lợi vào quá trình thực hiện Hpa nhất là trên các lĩnh vực như khoa học, công nghệ; thương mại, đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; xóa đói, giảm nghèo; phát triển các tiêu vùng liên quốc gia nhất là Tiểu vùng Mê-kông; Hành lang Đông-tây; xây dựng tuyến đường sắt Singapore - Côn Minh...

Cũng trong năm qua, quan hệ Asean-nhật Bản đã có nhiều bước tiến cụ thể, với nhiều dự án đã được triển khai, như các dự án nhằm giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, phát triển nguồn nhân lực, phát triển công nghệ thông tin, hợp tác trên lĩnh vực tài chính, phục hồi và phát triển kinh tế... Những thỏa thuận Asean + Nhật Bản được ký kết tại Hà Nội tháng 12/1998 và tại Manila năm ngoái đã hỗ trợ có hiệu quả đối với nhiều nước Asean trong lúc khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính khu vực. Đóng góp của Nhật cho "quỹ đoàn kết" của Asean, việc thành lập Quỹ (Trao đổi chung Asean-nhật Bản", tham gia Hội nghị tư vấn về Hpa, cũng như nhiều sáng kiến và đề nghị do Nhật Bản đưa ra trong các chương trình, dự án hợp tác với Asean, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, chuyên ngành có giá trị hỗ trợ đắc lực cho các cố gắng của Asean.

Asean đặt nhiều hy vọng vào sự trợ giúp của Chính phủ Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực của Asean và Chương trình về công nghệ thông tin góp phần giảm thiểu khoảng cách phát triển kinh tế trong khu vực...

Các thành viên Asean vui mừng về những tiến triển hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đồng thời khẳng định những kết quả đã đạt được trong quan hệ hợp tác Asean + Hàn Quốc, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Hợp tác Đông á. Quỹ Hợp tác đặc biệt Asean - Hàn Quốc cũng như những dự án mới của Hàn Quốc được đề xuất tại Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các nước Asean nâng cao khả năng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là ở các nước thành viên mới, thu hẹp khoảng cách phát triển. Asean mong Hàn Quốc mở cửa thị trường hơn nữa tạo điều kiện cho hàng hóa của Asean thâm nhập thị trường Hàn Quốc, hỗ trợ Asean tiếp tục phục hồi kinh tế, thực hiện Chương trình hành động Hà Nội (Hpa) thông qua việc tham gia các chương trình ưu tiên hiện nay nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực.

Phát biểu ý kiến tại ba cuộc gặp trên, Thủ tướng Phan Văn Khải bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ giữa các nước Đông á ngày càng phát triển, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để góp phần phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác phát triển giữa Asean - Trung Quốc; tin rằng với quyết tâm của cả hai bên, mối quan hệ này chắc chắn sẽ ngày càng được tăng cường vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Thủ tướng cũng cho rằng Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò điều phối quan hệ Asean - Nhật Bản, mong muốn Nhật Bản tích cực tham gia trợ giúp việc thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội với trọng tâm thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là phát triển lưu vực sông Mê-kông và Hành lang Đông - Tây...

Thủ tướng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc giải quyết các vấn đề ở bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình, thông qua đối thoại; ủng hộ nguyện vọng hòa bình thống nhất đất nước của nhân dân trên bán đảo Triều Tiên và hoan nghênh những cố gắng của Hàn Quốc nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác với Asean và đề nghị Hàn Quốc tích cực hỗ trợ, tham gia thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội, nhất là trong các chương trình ưu tiên của Asean hiện nay./.

Hội Nghị Cấp Cao Asean Không Chính Thức Lần Thứ Tư Và Hội Nghị Cấp Cao Asean+3


(Ttxvn 25/11/2000)
Theo đặc phái viên Ttxvn, ngày 24/11, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (Asean) không chính thức lần thứ 4 đã được tiến hành tại Singapore.
Đây là Hội nghi cấp cao không chính thức lần thứ tư kể từ ngày thành lập Hiệp hội, nhưng là lần thứ hai Hội nghị không chính thức có đầy đủ thành viên của 10 nước Asean, kể từ sau Hội nghi cấp cao lần thứ Vi diễn ra tại Hà Nội, nơi hoàn thiện ý tưởng về một Asean-10, một Hiệp hội của Đông Nam á, do Đông Nam á và vì Đông Nam á thành hiện thực sinh động.

Trước khi mạc Hội nghi, mười vị nguyên thủ đã chụp ảnh chung theo truyền thống.

Sau gần 2 giờ, các vị nguyên thủ Asean đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn những mặt thành công và thách thức đối với tổ chức và hoạt động của Hiệp hội, bàn phương hướng và giải pháp tăng cường liên kết và hợp tác giữa các nước thành viên trong Hiệp hội, chủ động đối phó với thách thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, thực hiện thành công Chương trình hành động Hà Nội theo tinh thần của Tầm nhìn Asean 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định: Sau hơn 3 thập kỷ tồn tại và phát triển, Asean đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt. Kinh tế của hầu hết các nước thành viên đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng xấu nhất và đang phục hồi. Đoàn kết, hợp tác của Hiệp hội cũng như với bên ngoài, nhất là hợp tác Đông á được củng cố và tăng cường. Vị thế, vai trò của Hiệp hội ngày càng được nâng cao ở khu vực và thế giới.

Với Tầm nhìn 2020 và Chương trình Hành động Hà Nội, Asean đã cố gắng tối đa để thực hiện Afta, xây dựng khu vực đầu tư Asean, thông qua các dự án thiết lập mạng đường bộ, đường sắt, dây tải điện, ống dẫn khí, các chương trình Asean điện tử, hợp tác du lịch v.v. nhằm đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Asean đã và đang đứng trước nhiều thách thức to lớn dưới tác động của xu hướng toàn cầu hoá, tốc độ phát triển của kinh tế tri thức. Đó là sự chênh lệch về trình độ phát triển, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng; nguy cơ tụt hậu so với bên ngoài, đặc biệt là về công nghệ thông tin...

Để vượt qua các thách thức nói trên, theo Thủ tướng, phương châm chung trong hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới phải là phát huy cao độ nội lực của từng nước và của cả Hiệp hội, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác của bên ngoài, nhất là các nước đối thoại và các tổ chức quốc tế, tìm ra những biện pháp kịp thời, hữu hiệu. Thủ tướng nêu 4 giải pháp cụ thể: Một là ra sức thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội (Hpa) theo tinh thần "đoàn kết, hợp tác vì một Asean hoà bình, ổn định và phát triển đồng đều". Thủ tướng đề nghị tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 7 ở Bru-nây năm tới, Asean cần có kiểm điểm giữa kỳ để có những quyết sách và nếu cần, kịp thời điều chỉnh lại các ưu tiên hợp tác nhằm bảo đảm thực hiện thành công Chương trình Hành động quan trọng này.

Hai là cần bổ sung những biện pháp hợp tác hiệu quả để ngay từ bây giờ có thể thúc đẩy việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên cũng như giữa các vùng trong từng nước và trong khu vực, trong đó đáng chú ý là việc đẩy mạnh xây dựng các tam, tứ giác, hành lang phát triển, đặc biệt là Tiểu vùng Mê-công, Hành lang Đông-tây ... Thủ tướng đề nghị Asean cần có một Tuyên bố chung thể hiện quyết tâm thu hẹp khoảng cách phát triển, vì một Asean phát triển bền vững và đồng đều, để thông qua tại Hội nghị Ngoại trưởng Asean lần thứ 34 (Amm 34) ở Hà Nội vào năm tới.

Ba là Asean cần kịp thời tranh thủ sự trợ giúp hiệu quả từ bên ngoài để phát triển trước hết là công nghệ thông tin. Đánh giá cao thiện chí của Nhật Bản trong việc giúp đỡ các nước Đông Nam á nâng cao năng lực công nghệ thông tin nằm trong khuôn khổ Chương trình 15 tỷ Usd dành cho các nước đang phát triển mà Nhật Bản đã tuyên bố tại Hội nghị cấp cao G8 vừa qua; hoan nghênh Xinh-ga-po đi đầu trong các công việc trợ giúp các nước thành viên phát triển công nghệ thông tin và mong các nước Asean sẽ ủng hộ đề nghị lập Trung tâm công nghệ Asean mà Việt Nam đã đưa ra..., Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh rằng trước mắt, các nước thành viên cần tập trung thực hiện tốt Hiệp định khung e-asean, nhằm góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực...

Bốn là để duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực, Asean cần tăng cường đoàn kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, nhất là nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ, đồng thuận; tạo sự gắn bó chặt chẽ, tin cậy, tăng cường các hoạt động tương tác giữa các cấp, nhất là cấp cao thông qua việc thăm viếng lẫn nhau, kể cả không chính thức, trao đổi qua đường dây nóng... Thủ tướng cho rằng Asean càng đoàn kết thì càng hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ mỗi nước.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đã chủ động nêu đề xuất của Việt Nam về tăng cường giao lưu văn hoá, coi việc tiếp xúc giữa nhân dân các nước Asean như là biện pháp hữu hiệu củng cố hiểu biết và tin cậy, góp phần gắn kết giữa các quốc gia thành viên. Thủ tướng đề nghị tổ chức "tuần văn hoá Asean" hai năm một lần luân phiên giữa các nước Asean, biến "tuần văn hoá Asean" trở thành lễ hội truyền thống của các dân tộc Đông Nam á và Việt Nam sẵn sàng đăng cai "tuần văn hoá Asean" lần thứ nhất.

Trước bế mạc Hội nghi, các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia đã cùng ký Hiệp đinh khung e-asean dưới hình thức kỹ thuật số, khẳng định quyết tâm của toàn Asean về thu hẹp khoảng cách phát triển, nhất là khoảng cách về công nghệ thông tin giữa các nước thành viên.

Cùng ngày, tại Singapore đã diễn ra hội nghị cấp cao Asean+3. Dự họp cùng mười vị nguyên thủ của mười nước Asean còn có Thủ tướng Nhật Bản Y.mô-ri, Thủ tướng Trung Quốc Zhou Rongi và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung.

Được biết, từ khi thông qua Tuyên bố chung hợp tác Đông á tại Cấp cao Asean+3 tháng 11/1999 ở Ma-ni-la, hợp tác Đông á đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế-tài chính. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như chuyên ngành đang trong giai đoạn thăm dò, kiến nghị...

Trong lĩnh vực kinh tế, các nước Đông á đã xác định được ưu tiên hợp tác gồm: Thúc đẩy thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ; Hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thương mại điện tử; Phát triển xí nghiệp vừa và nhỏ; Sáng kiến của Hàn Quốc về Diễn đàn doanh nghiệp, sáng kiến của Nhật về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hợp tác kỹ thuật Asean+3 về dự trữ dầu lửa và các sáng kiến của các nước khác về hợp tác Asean+3 trong nông nghiệp, môi trường và phát triển tiểu vùng Mê-công... đã và đang được triển khai tích cực...

Các nước Đông á đang tích cực triển khai sáng kiến Chiềng Mai và thoả thuận hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho các nước Asean.

Các Tổng Vụ trưởng Asean+3 đã trao đổi không chính thức, kiến nghị nội dung hợp tác trên các chuyên ngành khu vực có tiềm năng như: Trao đổi quan chức ngoại giao, thanh niên, học giả...; Hợp tác y tế; Đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực; Phát triển lưu vực sông Mê -công, thu hẹp khoảng cách phát triển và xoá đói giảm nghèo của Asean; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về hợp tác Đông á...

Tại Hội nghị cấp cao Asean+3 lần này, các nguyên thủ Đông á đã tiếp tục thảo luận về các giải pháp thúc đẩy thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác Đông á đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao Asean+3 tại Ma-ni-la tháng 11/1999, coi đó là cơ sở cho hợp tác Asean +3 và cùng với Chương trình hành động Hà Nội nó sẽ tạo điều kiện để các nước Đông á triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đưa hợp tác Đông á đi đúng hướng.

Các nguyên thủ Asean đánh giá cao sự quan tâm của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đối với các dự án phát triển.

Phát biểu tai cuộc họp Asean + 3, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề cập tới nhu cầu thiết yếu về phát triển công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, nhấn mạnh rằng cần có biện pháp đưa lĩnh vực hợp tác này lên ưu tiên cao. Theo đó, Việt Nam đề xuất và mong các nước Đông á tích cực ủng hộ việc thiết lập "trung tâm công nghệ thông tin Asean" với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng chính thức đề nghị ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục quan tâm và tham gia nhiều hơn vào các dự án của Hpa, nhất là trên các lĩnh vực ưu tiên của Asean như thu hẹp khoảng cách phát triển, xoá đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực về ngân hàng, tài chính và khoa học kỹ thuật, phát triển lưu vực sông Mê-công và Hành lang Đông-tây, hỗ trợ các thành viên Asean kém phát triển hơn hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới. Thủ tướng còn đề cập yêu cầu hợp tác du lịch Đông á, cho rằng đây cũng là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng to lớn và có tác động kinh tế, xã hội lâu dài. Thủ tướng nhấn mạnh: Những di sản văn hóa, thiên nhiên độc đáo và kho tàng văn hóa đặc sắc của Đông á cần được thế giới biết đến và triệt để khai thác, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nhân loại. Trên tinh thần đó, Việt Nam đề nghị tổ chức các Hội chợ du lịch Đông á luân phiên giữa các nước để mở rộng giao lưu, tăng cường hiểu biết và tin cậy, biến Đông á thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Buổi tối cùng ngày, Thủ tướng Go Chok Tong và Phu nhân đã mở tiệc chiêu đãi chính thức các Trưởng Đoàn Asean+3 và Phu nhân./