Ngành Du lịch Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển
Hà Nội (Ttxvn 1/12/2000)
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, bà Võ Thị Thắng cho biết, mặc dù mới triển khai gần được 1 năm, kinh phí chỉ sử dụng khoảng 1/4 nhưng Chương trình hành động quốc gia về du lịch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tính đến hết tháng 11/2000, lượng khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 1,96 triệu lượt người, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng khách du lịch quốc tế vào bằng đường biển và đường bộ tăng nhanh. Khách du lịch đến Việt Nam chủ yếu là từ Trung Quốc, các nước Asean, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh. Với mức tăng trưởng như hiện nay, khả năng đón 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay là hiện thực đối với ngành du lịch Việt Nam.
Hoạt động du lịch được đẩy mạnh và rộng khắp đã đem lại một hiệu quả thiết thực về kinh tế. Chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2000, Chương trình đã thực hiện xuất khẩu tại chỗ ước đạt trên 800 triệu Usd, tăng khoảng 150 triệu Usd. Nguồn thu từ khách du lịch nội địa xấp xỉ 2.500 tỷ đồng, tăng 700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài hiệu quả kinh tế, sự phát triển du lịch còn tác động trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân, thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ phát triển, tăng tỷ trọng dịch vụ trong tổng thu nhập quốc dân; khôi phục được nhiều nghề truyền thống... Đến nay, ngành du lịch đã tạo việc làm cho khoảng 150.000 lao động trực tiếp trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, chưa kể đến 30 vạn lao động gián tiếp có thêm việc làm như sản xuất hàng lưu niệm, bán hàng, các dịch vụ bổ trợ...
Quan trọng hơn những con số trên, Chương trình hành động quốc gia về du lịch đã tạo ra một bước chuyển mới, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về hiệu quả nhiều mặt đầy thiết thực của du lịch. Đến nay, đã có 32 tỉnh, thành phố trong cả nước thành lập Ban chỉ đạo về du lịch, điều phối hoạt động du lịch và giải quyết tức thời những vướng mắc liên ngành trên địa bàn; đồng thời trợ giúp và tham mưu tích cực cho Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch. Đặc biệt, cùng với ngành văn hóa-thông tin và các ngành có liên quan, chương trình đã tổ chức thành công 19 lễ hội truyền thống tiêu biểu trên khắp cả nước, gắn kết với các sự kiện du lịch nhằm thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ Chương trình, hàng vạn ấn phẩm quảng bá bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, phục vụ công tác xúc tiến tại các thị trường trọng điểm đã được phát hành. Theo bà Võ Thị Thắng, việc tham gia tích cực và thành công vào các hội chợ du lịch-thương mại quốc tế, đặc biệt là các đợt tổ chức phát động thị trường tại Australia, Nhật Bản và mới đây nhất là hội chợ du lịch sinh thái quốc tế khu vực ấn Độ Dương lần thứ 5 tại Réunium (Pháp) vào tháng 10 đã mang lại một "vị thế" mới cho du lịch Việt Nam trong "làng" du lịch thế giới. Sau chiến dịch mở thị
trường du lịch Australia, hàng tuần các chuyến bay của Hàng không Việt Nam đã tăng thêm 100 hành khách đến từ Austrlia; ngay trong hội chợ tại Pháp, đã có hơn 100 đoàn khách đăng ký đi tour đến Việt Nam từ tháng 11/2000 đến tháng 4/2001. Lần đầu tiên, mỗi tuần 3 chuyến tàu biển của Hãng tàu Star Cruise đến vịnh Hạ Long, Đà Nẵng và Phú Quốc, "mang" theo hàng vạn khách du lịch từ nhiều quốc gia khác nhau đến với các tour "khám phá" đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Công tác xúc tiến cho khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2000, với những tour du lịch hấp dẫn đến các nước trong khu vực Đông Nam á và vươn ra châu Âu, Bắc Mỹ; trong đó có những tour bằng tàu biển đi Trung Quốc và các nước Mỹ la tinh. Mới đây, trong chương trình du lịch theo giải bóng đá Tiger Cup Thái Lan, nhiều công ty du lịch đã tổ chức cho hàng trăm khách du lịch-cổ động viên với nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn sang thăm quan, du lịch và cổ vũ đội nhà. Hiện nay, Chương trình đang tập trung đầu tưu xúc tiến tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc nhằm tạo sự "bùng nổ" du lịch Việt Nam.
Những con số khả quan về sự tăng trưởng của du lịch nước nhà không chỉ nhờ nỗ lực của riêng ngành du lịch mà còn nhận được sự "hậu thuẫn" của rất nhiều bộ, ngành hữu quan. Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thông thoáng cho hoạt động du lịch đã được các ngành thảo luận, cùng nhau bàn bạc tháo gỡ. Nhiều chính sách mới tạo thuận lợi cho du khách; nâng cấp các sân bay, mở nhiều đường bay mới...
Hiện nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xây dựng xong Dự thảo 2 Chương trình quốc gia về du lịch giai đoạn 2001-2005. Theo đó, nội dung cơ bản của Chương trình được thể hiện qua việc triển khai 4 dự án chính: xúc tiến du lịch Việt Nam; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch; xây dựng cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Theo tính toán, tổng kinh phí cho 4 dự án vào khoảng hơn 20,2 tỷ đồng.
Mục tiêu trước mắt của Chương trình là tạo cơ hội cho sự tăng
trưởng ổn định trong giai đoạn 2001-2005; đồng thời đảm bảo chỉ tiêu khách quốc tế tăng mỗi năm từ 10-20%, đạt 4 triệu lượt khách vào năm 2005 (gấp 2 lần năm 2000). Riêng lượng khách nội địa tăng trung bình 20%/năm, đạt 30 triệu lượt vào năm 2005. Doanh thu của ngành du lịch trong GDP tăng 2 lần so với năm 2000, giải quyết việc làm cho 300.000 lao động trực tiếp và khoảng 80 vạn lao động gián tiếp. Cơ sở vật chất của ngành cũng được tăng cường tương xứng với tốc độ phát triển. Đặc biệt, Chương trình đầu tưu 3 khu du lịch quốc gia từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác; xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Về lâu dài, mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đưua Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển về du lịch trong khu vực, đạt vị trí thứ 5 về du lịch trong khối Asean trước năm 2005 và thứ 4 trước 2010; tạo một bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho ngành du lịch, khẳng định được vai trò là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, tạo tiền đề trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam sau năm 2005.
Dự kiến vào tháng 12/2000 Tổng cục Du lịch sẽ có tờ trình Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về du lịch giai đoạn 2001-2005 và chính thức triển khai vào đầu năm 2001./.