Du thảo Báo cáo Đại hội đảng VIIII: Văn hoá-thể thao
(Tiếp theo 5)
Phát động phong trào toàn dân tập luyện thể dục-thể thao, nâng cao sức khoẻ và tầm vóc của người Việt Nam; phòng ngừa bệnh tật; phổ biến rộng rãi kiến thức về tự bảo vệ sức khỏe, về dùng thuốc, về vệ sinh và an toàn thực phẩm, an toàn giao thông để người dân tránh được những rủi ro, bất hạnh không đáng có.
Chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thực hiện gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thực hiện quyền trẻ em, làm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, được phát triển hài hoà về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Bảo đảm cho trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ bị khuyết tật, trẻ sống trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số có cơ hội học tập để phát triển, có những điều kiện cần thiết trong vui chơi, giải trí, hưởng thụ các thành quả văn hoá của đất nước.
Chính sách an ninh xã hội thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự và an ninh xã hội, ngăn chặn và bài trừ các tệ nạn xã hội. Kiên quyết giữ vững kỷ
cương xã hội, tích cực chống tham nhũng, mê tín, hủ tục, những lối sống không lành mạnh, ngăn chặn những hành vi trái pháp luật, trái đạo lý, không văn hoá, vi phạm các chuẩn mực đạo đức dân tộc. Tích cực phòng chống Hiv/aids.
V- Phát triển văn hoá, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và môi Trường:
1- Phát triển giáo dục-đào tạo là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện tiên quyết để phát triển nguồn lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục tăng đầu tư ngân sách cho giáo dục - đào tạo.
Đổi mới căn bản và toàn diện nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá và dân chủ hoá. Củng cố thành tựu xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong 5 năm tới, tạo điều kiện cho những địa phương có khả năng hoàn thành sớm việc phổ cập giáo dục trung học phổ thông, mở rộng quy mô đào tạo trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Đẩy mạnh phong trào học tập, khuyến khích tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề, bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện tốt khẩu hiệu "giáo dục cho mọi người", cả nước trở thành một xã hội học tập. Xây dựng quy hoạch đào tạo nhân lực theo phương thức kết hợp học tập trung, học từ xa, học trên mạng.
Từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, phấn đấu để ngày càng có nhiều trường phổ thông đủ điều kiện học hai buổi mỗi ngày tại trường và được nối mạng Internet, học sinh từ bậc tiểu học trở lên được học ngoại ngữ và tin học.
ở mọi cấp học, bậc học, kết hợp dạy và học lý thuyết với thực nghiệm và thực hành. Gắn công tác đào tạo với công tác nghiên cứu khoa học và sản xuất. Nhà trường và cơ sở đào tạo phối hợp với các tổ chức khoa học và các cán bộ kỹ thuật truyền bá tri thức sản xuất, chuyển giao công nghệ mới cho dân. Coi trọng công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh trung học, chuẩn bị cho thanh niên, thiếu niên đi vào lao động nghề nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong cả nước và từng địa phương. Nhanh chóng hiện đại hoá một số trường dạy nghề, tăng nhanh tỷ lệ lao động được đào tạo trong toàn bộ lao động xã hội, khuyến khích phát triển hệ thống trường, lớp dạy nghề dân lập và tư thục; trang bị cho thanh niên những kiến thức sản xuất, kỹ năng lao động và năng lực tiếp thu công nghệ mới để tự tạo việc làm, chủ động tìm kiếm cơ hội lập thân, lập nghiệp.
Mở rộng hợp lý quy mô giáo dục đại học, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả đào tạo, phát huy nội lực tự học, nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tập trung đầu tư vào hai trường đại học quốc gia thành những trung tâm đào tạo chất lượng cao, chuẩn bị đội ngũ nhân tài cho đất nước, xây dựng một số trường đại học sư phạm trọng điểm để nhanh chóng đào tạo được đội ngũ giáo viên giỏi cho hệ thống trường, lớp ở bậc phổ thông cũng như ở bậc đại học.
Huy động sức mạnh toàn dân vào việc thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, phát triển đa dạng các hình thức đào tạo, mang lại cho mọi người dân cơ hội học tập và đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực cho giáo dục. Phát triển mạnh hội khuyến học, quỹ khuyến khích tài năng và các tổ chức bảo trợ, hỗ trợ giáo dục.
Tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ. ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, cải tiến và hiện đại hoá việc giảng dạy và học tập các bộ môn khoa học Mác-lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội học tập, tiếp tục xây dựng các trường phổ thông nội trú cho con em dân tộc thiểu số, chú trọng đặc biệt đến quyền lợi học tập của nhân dân ở gần hai nghìn xã nghèo nhất.
Trong những năm trước mắt, đẩy mạnh việc chấn hưng giáo dục, nhanh chóng giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc: tinh giản chương trình đào tạo cho phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý của học sinh và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá về nguồn nhân lực; cải tiến chế độ thi cử, khắc phục khuynh hướng "thương mại hoá" giáo dục, ngăn chặn những tiêu cực trong giáo dục; khắc phục tình trạng làm và sử dụng bằng giả; có cơ chế chặt chẽ trong việc cấp bằng, công nhận học hàm, học vị; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với toàn bộ hệ thống giáo dục, hệ thống nhà trường cả công lập và ngoài công lập.
Tăng dần ngân sách nhà nước cho việc đưa những người giỏi đi học ở những nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến. Có quy hoạch và chính sách tuyển chọn người giỏi, đặc biệt chú ý con em công nhân và nông dân, để đào tạo thành những chuyên gia đầu ngành bằng ngân sách quốc gia, nguồn vốn của dân, nguồn tài trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
2- Phát triển khoa học - công nghệ cùng với phát triển giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bằng nguồn lực của nhà nước và các doanh nghiệp, tăng cường đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường; xây dựng năng lực công nghệ quốc gia. Có chính sách phát huy thế mạnh về trí tuệ của người Việt Nam, tiếp thu một cách sáng tạo những công nghệ nhập khẩu, từng bước tạo ra công nghệ mới, đẩy mạnh việc hợp tác về công nghệ với các nước. Tạo thị trường cho tiến bộ công nghệ, đổi mới cơ chế tài chính nhằm khuyến khích sáng tạo và ràng buộc việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ. Coi trọng chất lượng đào tạo nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực, đặc biệt là chất lượng của đội ngũ công nhân, kỹ sư thực hành, những nhà kinh doanh và nhà quản lý. Ưu tiên đào tạo phục vụ một số ngành mũi nhọn, nhất là công nghệ phần mềm, phục vụ công nghiệp hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sử dụng có hiệu quả các quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ.
Phát triển khoa học xã hội và nhân văn, hướng vào việc giải đáp các vấn đề lý luận và thực tiễn, tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người; khai thác và phát huy những di sản văn hoá dân tộc, sáng tạo những giá trị văn hoá mới của Việt Nam. Xây dựng quy chế dân chủ trong nghiên cứu và sáng tạo khoa học xã hội và nhân văn.
Khoa học và công nghệ đóng góp trực tiếp và ngày càng lớn vào quá trình đất nước tăng trưởng nhanh và bền vững. Ưu tiên phát triển nghiên cứu, triển khai các công nghệ ứng dụng, đồng thời tiếp tục coi trọng nghiên cứu khoa học cơ bản. Hoàn thành xây dựng những khu công nghệ cao và hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Có chính sách ưu đãi đối với nhà khoa học có công trình nghiên cứu, ứng dụng xuất sắc trong sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, những cán bộ khoa học và công nghệ công tác tại các vùng khó khăn, vùng nông thôn. Có chính sách động viên đội ngũ trí thức bám sát cơ sở sản xuất, hướng dẫn nhân dân nắm bắt và làm chủ những công nghệ mới.
3- Phát triển văn hoá.
Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động văn hoá nhằm xây dựng con người xã hội chủ nghĩa và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp văn hoá là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hoá lành mạnh trong xã hội,
trước hết trong tổ chức đảng và nhà nước, trong các đoàn thể nhân dân và trong từng gia đình.
Văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn chỉnh nhân cách, có lòng tự hào dân tộc, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có ý thức tuân thủ pháp luật, nếp sống văn minh, tác phong công nghiệp. Đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho sự phát triển của xã hội và con người. Tạo điều kiện để nhân dân trở thành những chủ thể sáng tạo văn hoá đồng thời là người hưởng thụ ngày càng nhiều các thành quả văn hoá. Đẩy mạnh xây dựng thư viện, nhà văn hoá, nhà thông tin, câu lạc bộ sức khoẻ, sân bãi thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí...
Khai thác, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc, các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, các kho tàng văn hoá Hán Nôm, các giá trị văn hoá, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết và thuần phong mỹ tục của các dân tộc. Tiếp thu tinh hoa văn hoá của thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hoá Việt Nam; đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hoá độc hại.
Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi
dưỡng các thành viên của mình có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, thuỷ chung, tôn trọng kỷ cương phép nước, cần cù lao động và học tập. Xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và có văn hoá, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Đẩy mạnh phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".
Bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi sáng tạo văn hoá, văn học nghệ thuật. Văn nghệ sĩ nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người, xứng đáng với đất nước đổi mới và dân tộc anh hùng. Văn nghệ miêu tả, cổ vũ cái đúng, cái tốt trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn. Không ngừng nâng cao trình độ thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Phát huy vai trò thẩm định tác phẩm, hướng dẫn dư luận của phê bình văn học nghệ thuật. Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng sáng tác suy đồi, trái với đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng. Chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho văn nghệ sĩ. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo lớp văn nghệ sĩ trẻ. Làm tốt công tác bảo vệ bản quyền tác giả. (Còn tiếp)