Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2001



Hà Nội (Ttxvn 28/4/2001)
Trong hai ngày 26 và 27/4/2001, Chính phủ đã họp phiên
thường kỳ tháng 4/2001 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phan Văn Khải và các Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Công Tạn, Pham Gia Khiêm để xem xét, thông qua các Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch-ngân sách năm 2000 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2001, giao lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh, chuẩn bị trình Quốc hội khóa 10 vào kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Cùng trong phiên họp, Chính phủ đã thông qua các Dự thảo Nghị định về Giáo dục quốc phòng; Báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo quý I năm 2001; xem xét, hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (sửa đổi), chuẩn bị trình ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ thống nhất đánh giá: Năm 2000, Việt Nam đã chặn được đà giảm sút và lấy lại được nhịp độ tăng trưởng cao. Trong 12 chỉ tiêu phát triển chủ yếu về kinh tế xã hội của năm 2000 đã dược Quốc hội thông qua, có 5 chỉ tiêu đạt mức cao hơn so với mức đã ghi trong báo cáo trình Quốc hội khóa 10, kỳ họp thứ 8. Đó là: tốc độ tăng trưởng Gdp ( đạt 6,75%, so với số đã báo cáo là 6,7% và số ghi trong kế hoạch là 5,5-6%); tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm, ngư nghiệp (đạt 5,64% so với số đã báo cáo là 4,9% và số ghi trong kế hoạch là 3,5-4%); tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp( đạt 15,7% so với số đã báo cáo là 15,5% và số ghi trong kế hoạch là 10,5-11%); tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu ( đạt 25%, so với số đã báo cáo là 21,3% và số ghi trong kế hoạch là 11-12% ); giảm tỷ lệ hộ đói nghèo (còn 10% hộ đói nghèo so với số đã báo cáo là 11% và số ghi trong kế hoạch là10-11%). Kết quả thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước cũng tăng hơn so với báo cáo đã trình Quốc hội. Nhìn chung, các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.

Qua 4 tháng thực hiện nhiệm vụ năm 2001, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, sản xuất nông nghiệp diễn biến theo chiều hướng thuận lợi, công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm tước. Thu ngân sách đạt khá so với dự toán. Các mặt công tác xã hội có tiến bộ.

Tuy nhiên, nền kinh tế-xã hội Việt Nam đang còn không ít khó khăn, thách thức, trước dự báo bối cảnh nền kinh tế thế giới năm 2001 được đánh giá là không khả quan, một số nền kinh tế lớn giảm mạnh nhịp tăng trưởng, tác động không thuận đối với kinh tế toàn cầu. Trong nước, chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt là giá nông sản vẫn đang trong xu hướng giảm. Chậm trong đầu tư xây dựng và còn những bức xúc về văn hóa-xã hội cần sớm được giải quyết.

Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận các giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quyết tâm thực hiện tốt Chương trình hành động năm 2001, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế-xã hội đã được Quốc hội thông qua, coi đây là công việc hàng đầu và cốt yếu nhất trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9. Trước mắt, các bộ, ngành địa phương tiếp tục tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ kinh tế-xã hội cụ thể do Quốc hội đề ra và 8 nhóm giải pháp chủ yếu trong Chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt chú trọng các giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt là gạo và cà phê; đẩy mạnh xuất khẩu và tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, cân đối đủ vốn cho các công trình đầu tư phải hoàn thành trong năm 2001; thúc đẩy kích cầu đầu tư và tiêu dùng ; tập trung đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc, đảm bảo sự ổn định để phát triển, sớm nghiên cứu để có các giải pháp cơ bản, lâu dài về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đặc biệt là ở vùng đồng bào sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên; thực hiện tốt các mặt công tác xã hội.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phan văn Khải lưu ý các thành viên Chính phủ về 4 phần việc Chính phủ cần tập trung xử lý cho tốt.

Một là, quyết tâm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Cần làm cho mọi người, mọi nhà, các cơ quan, đơn vị quán triệt hơn nữa ý nghĩa của xuất khẩu, hiểu đây là công việc hết sức cấp thiết và chính là nhằm thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Vì hiện lượng kim ngạch xuất khẩu đã chiếm hơn 40% Gdp. Có tăng được kim ngạch xuất khẩu mới đẩy nhanh được nhịp độ tăng trưởng kinh tế chung. Cần tính tới những giải pháp toàn diện và đồng bộ để tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Trong nông nghiệp, phải đầu tư mạnh hơn nữa vào khâu tạo giống để vừa nâng cao chất lượng nông sản vừa có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, xử lý mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ. Riêng về giá cả, những tháng qua, chỉ riêng chuyện gạo và cà phê mất giá, ước tính, bà con nông dân đã bị thiệt từ 10 đến 12 tỷ đồng. Nông dân thu nhập thấp, giá vật tư nông nghiệp, giá hàng công nghiệp lại tăng, khiến bà con " thiệt đơn, thiệt kép". Chính phủ phải lo hỗ trợ, đền bù phần nào cho bà con. Trước mắt, cùng với làm tốt việc việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo và 15 vạn tấn cà phê, cho phép đảo kho đối với 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cần tính cách hạ giá thành đầu vào cho nông dân, trong đó có cả việc miễn thuế, thoái thuế nông nghiệp đối với những khu vực bà con gặp nhiều khó khăn. Phải kiên quyết tháo gỡ những khó khăn, ách tắc về vốn tín dụng cho sản xuất-kinh doanh, trong đó có tin dụng nông nghiệp. Mặt khác cần khuyến khích hơn nữa việc mở mang thị trường bên ngoài, xây dựng cơ chế " hậu ưu đãi", có thưởng cho những doanh nhân, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tiêu thụ hàng cho dân, cho doanh nghiệp.

Hai là, kiên quyết thực hiện cho được chỉ tiêu về đầu tư xây dựng cơ bản của năm 2001, tìm thêm nguồn đầu tư, không đề các công trình thiếu vốn, kể cả vốn đối ứng cho các Dự án sử dụng vốn Oda.

Ba là, tìm và thực hiện có hiệu quả các giải pháp "kích cầu" tiêu dùng,thúc đẩy đầu tư, coi "kích cầu qua đầu tư" là giải pháp lành mạnh và có lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, xét từ nhiều góc độ.

Bốn là tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, trước hết là đối với 11 tỉnh, 91 huyện và 2000 xã có nhiều khó khăn, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, trước mắt là đáp ứng yêu cầu phát triển đối với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và Tây nguyên.

Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương tập trung vận dụng, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9 bằng những công việc thiết thực của mỗi ngành, địa
phương, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy đầu tư xây dựng, phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế 7,5%, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2001./.