Xuất khẩu hàng dệt may tăng mạnh cuối năm

Hà Nội (TTXVN 26/11/2002)

Theo Tổng cục thống kê, 11 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 2,45 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mấy tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này liên tục tăng, riêng tháng 11 đạt 270 triệu USD, dự kiến cả năm đạt khoảng 2,7 tỷ USD.

Thị trường Mỹ được mở rộng thêm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này đã tăng gấp gần 20 lần so với cả năm 2001, có thể đạt 850 triệu USD, chiếm 1/3 giá trị kim ngạch toàn ngành. Các nước EU tăng thêm 25% hạn ngạch, trị giá 150 triệu USD, cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2002. Đó là những nguyên nhân quan trọng góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong năm nay. Bên cạnh đó, Chiến lược "tăng tốc" của ngành dệt may đang thể hiện là hướng đầu tư đúng, thực sự tạo đà tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp trong ngành.

Chưa bao giờ các doanh nghiệp dệt may trong nước bước vào cuộc đua nước rút khẩn trương như hiện nay. Tăng năng lực sản xuất, kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng và giao hàng đúng thời gian hợp đồng được tiến hành một cách nhịp nhàng, đồng bộ và khẩn trương. Đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn như các Công ty May Việt Tiến, May Nhà Bè, May Phương Đông, May cổ phần Bình Minh, Dệt Phong Phú đã cơ bản hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2002. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 6/2003; trong đó, một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu vào Mỹ cho cả năm sau. Lần đầu tiên, ngành dệt may Việt Nam có hai doanh nghiệp là Công ty dệt Phong Phú và Công ty may Việt Tiến đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp dệt may ở các thành phần kinh tế đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng mới, mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị hiện đại để chuyên dùng làm hàng xuất khẩu.

Ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đặc biệt chú trọng thị trường nội địa, toàn ngành đã có hàng nghìn đại lý và tổng đại lý phân phối trong cả nước. Doanh thu từ bán hàng nội địa năm nay đã tăng lên 25% trong tổng doanh thu toàn ngành. Các thương hiệu nổi tiếng như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Thăng Long, Dệt Thắng Lợi, Việt Thắng đã bắt đầu đi vào thị hiếu người dân Việt Nam. Vinatex đã thành lập được 3 Trung tâm thời trang ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp, giới thiệu và bán các mặt hàng của các doanh nghiệp. Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, mục tiêu của Vinatex là đến năm 2005 mở thêm vài nghìn đại lý trên khắp cả nước và tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng hàng hóa của Tổng công ty, phấn đấu đưa tỷ trọng doanh thu hàng nội địa lên gần 30%.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với ngành dệt may là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu vải. Vinatex đang tập trung đầu tư phát triển ngành dệt để trong vài năm tới có mặt hàng vải chất lượng cao với giá cả đủ sức cạnh tranh. Ngoài việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc, Vinatex còn chú trọng đào tạo lực lượng thợ có tay nghề và đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh có khả năng đàm phán, tiếp thị hàng sang các thị trường xuất khẩu. Riêng đối với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp dệt may chú trọng đến các hoạt động đầu tư cải thiện môi trường lao động, vệ sinh an toàn để đạt tiêu chuẩn SA8000 theo yêu cầu của khách hàng Mỹ.

Với đà tăng trưởng xuất khẩu như năm nay, và với việc xúc tiến xây dựng 11 cụm công nghiệp dệt may đã được Chính phủ phê duyệt, ngành dệt may dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 3,15 tỷ USD vào năm 2003./.