Triển lãm giới thiệu văn hoá Việt Nam tại Hoa Kỳ
(Lao Động 11/3/2003)
Mới lạ và sẽ nhiều hấp dẫn đối với công chúng Mỹ, khách tham quan quốc tế vì lần đầu tiên, tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ (bảo tàng lớn nhất nước Mỹ, thành phố New York), diễn ra một cuộc triển lãm về văn hoá đương đại VN, kéo dài những hai năm (từ 15.3.2003 - 2005).
Mang dáng vẻ của một "cuộc hành trình xuyên Việt" hơn là một triển lãm, những gì được tái hiện, trưng bày tại đây, sẽ nhằm mô tả một cách hiện thực và sống động bức tranh xã hội VN. Nhịp sống thành thị cũng như nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược với những nét đặc trưng nhất của phong tục tập quán mỗi vùng miền, dưới góc nhìn dân tộc học sẽ giúp người Mỹ kể cả Việt kiều ở Mỹ hiểu thêm, hiểu đúng hơn về đất nước, con người VN ngày nay. Không dừng lại ở đó, một "cuộc hành trình" tinh thần của người VN sẽ giúp khách tham quan mường tượng tới những "cuộc hành trình" khác nữa, mang dấu ấn của cuộc chiến tranh mà nhân dân hai nước đã trải nghiệm - Cuộc hành trình của linh hồn.
"Với ý niệm, để triển lãm là những thể nghiệm không chỉ của người thực hiện (Bảo tàng Lịch sự tự nhiên Hoa Kỳ và Bảo tàng Dân tộc học VN), mà còn là của đông đảo khách tham quan, chúng tôi đã đưa ra nhiều cách tiếp cận cả trên mặt đất, hiện thực cả trong tưởng tượng, tâm linh. Nói vui, nó giống như việc mời công chúng quốc tế đi thử vào các loại "giày" VN khác nhau để cùng khám phá nét huyền diệu, hấp dẫn của một nền văn hoá giàu truyền thống, đậm đà bản sắc bậc nhất Đông Nam Á", bà Lauren Kendall, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ vui vẻ nói trao đổi cùng chúng tôi về cuộc triển lãm dày công này.
* Vậy, ý tưởng cho một "Cuộc hành trình của con người, tinh thần và linh hồn VN" trên đất Mỹ, đã được khơi nguồn như thế nào, thưa bà?
- Ba năm trước, chúng tôi sang VN vào đúng dịp lễ đón năm mới âm lịch. Những sắc hồng của hoa đào, ánh vàng của hoa mai, bánh chưng, vàng mã tiền giấy âm phủ, những chiếc xe đạp thồ chở hàng gốm sứ len lỏi tới các khu chợ, sự hối hả, chen chúc trên các chuyến xe đưa đón người về quê... cùng hoà quyện, đan xen, ùa vào trong tôi một cảm xúc mới lạ đầy thú vị. Thật bất ngờ, tôi bắt gặp những chiếc "Toyota" các màu, làm bằng giấy được đốt, như ngầm "gửi" đến cho những con người ở thế giới bên kia... Và, ý tưởng, kịch bản cho một cuộc triển lãm về văn hoá VN đã được gợi ý từ chính những thể nghiệm mới mẻ này.
* Với tư cách là một curator của triển lãm (người phụ trách viện bảo tàng), bà có những tiêu chí nào để chọn lựa tác phẩm?
- Nhịp thở của triển lãm là những "cuộc hành trình" của con người và cảnh vật VN trên khắp mọi miền, do đó mỗi hiện vật (khoảng 400) được trưng bày đều phải mang những nét đặc trưng, chở được cái hồn VN.
* Hẳn là, khi thực hiện triển lãm này, bà cũng đã đọc nhiều sách về lịch sử, văn hoá đất nước chúng tôi. Một sự cảm nhận, đánh giá của riêng bà về văn hoá VN?
- Giống như một kho tàng vô giá hay mỏ khoáng sản quá nhiều tài nguyên. Nguồn tài nguyên mà người ta có thể khai thác ngay từ chính những điều đơn giản nhất trong đời sống, trong nghệ thuật dân gian và trong cả trí tưởng tượng, tôi chỉ có thể nói vậy. Nền văn hoá của các bạn cho chúng tôi những cảm nhận sống, để rồi, nhớ về một câu chuyện, một kỷ niệm đã qua hay một liên tưởng mơ hồ nào đó cho những điều sắp xảy đến. Tôi tin chắc rằng, khách tham quan hẳn sẽ rất ngạc nhiên để học cách nhận biết về một nền văn hoá giàu bản sắc được cấu thành từ 54 dân tộc khác nhau với sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá... Nhưng, điều quan trọng hơn cả là nó sẽ giúp người dân Mỹ (vốn chưa được biết nhiều về VN) hiểu người VN đang làm, đang sống và suy nghĩ như thế nào?
* Bên cạnh việc giới thiệu văn hoá, triển lãm còn hướng về dấu ấn của cuộc chiến đã qua, chắc hẳn nó không nhằm khơi lại nỗi đau mà sự hàn gắn, chia sẻ mới là điều quan trọng?
- Đúng vậy, qua hình ảnh nghi lễ dành cho những người chết, việc tìm kiếm hài cốt những người lính đã hy sinh, mất tích trong chiến tranh - những linh hồn "lang thang" chưa về với gia đình... giúp ta nhận ra một điều thật quan trọng: Hàn gắn là có thể. Điều đó lại càng hiện thực hơn khi chúng ta cùng hướng về tương lai từ những nỗi đau trong quá khứ. VN thế kỷ 21 khác xa một VN của những năm 60, 70 thế kỷ trước. Và, triển lãm này tôn vinh một VN không còn tiếng súng.
* Xin cảm ơn bà.