Làng nghề du lịch
Tạp chí Quê Hương, Số 223 - 2003
Mô hình các làng nghề thủ công mỹ nghệ được xây dựng như một sản phẩm thu hút khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài, từ lâu đã được các doanh nghiệp trong ngành thủ công mỹ nghệ, các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh quan tâm với nhiều ý tưởng, nhiều dự án được đề ra; và đã có các làng nghề được hình thành.
Hiện chỉ có cụm nǎm làng nghề trong khu du lịch Vǎn Thánh (48/10 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, thuộc Saigontourist) được xây dựng bài bản nhất, có cái để hấp dẫn du khách đến tham quan nhất. Cụm nǎm làng nghề này hình thành từ 30/4/2002 trong khu Vǎn Thánh vốn gần trung tâm, ngay sát bên bờ sông Sài Gòn, cảnh quan được cải tạo lại khá đẹp gồm: gốm (Bát Tràng, Bình Dương...), đá (Non Nước, Đà Nẵng), chạm kim mộc thạch, dệt thổ cẩm Chǎm, thêu; tất cả đều là của doanh nghiệp và cơ sở tư nhân. Nhưng đến nay chỉ có hai làng nghề gốm và đá là hoàn chỉnh, số còn lại vẫn đang tiếp tục vừa làm vừa triển khai thêm. Phương thức hợp tác: mặt bằng của Vǎn Thánh được sử dụng miễn phí, Vǎn Thánh quảng bá, giới thiệu, bán tour cho khách tham quan, phía chủ làng nghề bỏ tiền đầu tư từ máy móc vật liệu, nghệ nhân biểu diễn, thiết kế trang trí..., và không được hưởng trên phí thu của khách mà chỉ hưởng trên sản phẩm bán ra.
Bà Phạm Thị Hoài Bảo, phó giám đốc khu du lịch Vǎn Thánh, cho biết: "Chúng tôi đã bỏ ra 14 tỷ đồng để đầu tư cải tạo nâng cấp chung khu du lịch, trong đó có phát triển mô hình mới này. Cụm làng nghề hiện vẫn trong giai đoạn khó khǎn, hiệu quả chưa có, nhưng tôi tin thời gian tới sẽ phát triển tốt. Cụm làng nghề là nét riêng của Vǎn Thánh, sẽ góp phần nâng cả khu du lịch lên".
Còn các chủ làng nghề tại đây cho biết trước mắt vẫn đang lỗ, nhưng mục tiêu đầu tư vào Vǎn Thánh chủ yếu để quảng bá sản phẩm, tương lai khi lượng khách du lịch tǎng mạnh mới mong có lợi nhuận.
Có triển vọng phát triển nhất tại Vǎn Thánh là làng gốm của Công ty Gốm Việt. Trên diện tích rộng 200 m2, làng gốm có khu sản xuất với đủ máy móc công nghệ cao cấp, nguyên vật liệu để các nghệ nhân biểu diễn tất cả các công đoạn làm gốm; khu trưng bày sản phẩm. Đặc biệt, đến đây khách tham quan có thể tự tay nhào nặn, vẽ vời trên gốm, sau đó đưa "tác phẩm" của mình vào lò nung ra thành phẩm mang về làm kỷ niệm với chi phí khiêm tốn: 50.000 đồng/khách nước ngoài, 30.000 đồng/khách trong nước. Khách du lịch nước ngoài, nhất là khách châu Âu, rất thích sân chơi thú vị này, họ không chỉ bỏ 2-3 tiếng tham quan mà còn lui tới nhiều lần. Ngoài ra, đây cũng là nơi để các họa sĩ trong nước đến sáng tác, nơi tổ chức những cuộc thi thiết kế mẫu gốm mới... Theo ông Nguyễn Vǎn Tâm - giám đốc Công ty Gốm Việt, đơn vị đã đầu tư gần 7 tỷ đồng ở Vǎn Thánh, Gốm Việt đã bắt đầu gặt hái được những kết quả ban đầu từ sự đầu tư này: bán được một số hợp đồng nhỏ, vừa mới ký một hợp đồng với đối tác Mỹ mở showroom, bán hàng qua mạng ở Mỹ. Sắp tới cũng tại Vǎn Thánh, Gốm Việt sẽ mở thêm bảo tàng gốm, siêu thị bán những mặt hàng gia dụng, hàng trang trí nội thất làm từ gốm, và cả máy móc, dụng cụ sản xuất gốm...
Ra đời sớm hơn cụm làng nghề Vǎn Thánh, cụm làng nghề du lịch của hợp tác xã Một thoáng Việt Nam (xã An Phú, huyện Củ Chi) đã đi vào hoạt động từ nǎm 1997, nhưng phải ngưng đón khách từ 5 nǎm nay do doanh thu từ khách tham quan không đủ bù chi phí hoạt động. Nay hợp tác xã vừa đầu tư thêm 600 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng phục hồi hai khu làng nghề làm bánh tráng và đan lát mây tre (làm các mặt hàng ghế salon, đèn bàn). Theo dự kiến, Một thoáng Việt Nam có thể mở cửa đón khách trở lại vào tháng 11/2003.
Làng du lịch Bình Quới (thuộc Saigontourist) cũng dự định xây dựng các làng nghề bởi diện tích và cảnh quan nơi đây rất thích hợp.
Theo anh Chiêm Thành Long, phó giám đốc Làng du lịch Bình Quới, làng nghề phải phong phú nhiều loại hình, nhiều nghệ nhân biểu diễn mới có thể hấp dẫn khách nhưng không đơn giản để có thể tập hợp được; mặt khác đầu tư vốn lớn song hiệu quả chưa thể thấy ngay được, trong khi lượng khách nước ngoài chưa ổn định, lại thêm hậu quả của dịch SARS...
Có cùng "máu" lập làng nghề du lịch, ông Nguyễn Duy Thanh thuộc doanh nghiệp Thanh Thảo (quận Tân Bình) có khu đất rộng hơn 5.000 m2 tại Củ Chi, lại nằm ngay trên tuyến đường thuận tiện để kết hợp với các tour du lịch trong ngày: đi địa đạo Củ Chi, chùa Bà (Bình Dương), núi Bà (Tây Ninh). Dự tính của ông là lập một số làng nghề, tạo thêm cảnh quan làng quê, chỗ vui chơi giải trí... Hiện tại dù đã bắt tay vào xây dựng hạ tầng, ông Thanh vẫn mong có được sự hợp tác đầu tư của các công ty du lịch: "Nếu làm sẵn rồi các hãng du lịch đưa khách đến, mối quan hệ sẽ rất lỏng lẻo, thích thì đưa khách không thì thôi, cho nên tốt nhất là các công ty du lịch cùng đầu tư với chúng tôi một phần để có trách nhiệm...".
Phía các công ty du lịch cho đến nay vẫn chưa mấy ai dám mạo hiểm cùng đầu tư như trên, mặc dù đều thừa nhận phải đầu tư mới đúng là làm "sản phẩm du lịch" thật sự. Tuy nhiên các công ty du lịch đều cho rằng mô hình các làng nghề du lịch cần được sự ủng hộ của Nhà nước, nhất là về chủ trương chính sách.