Ðất "chín rồng" mời gọi đầu tư
Nhandan.org.vn, cập nhật 18 giờ - 09-07-2003
Nét mới của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mời gọi hợp tác đầu tư hiện nay là bằng các dự án quy hoạch và xây dựng cụ thể trên từng lĩnh vực ngành nghề, không kêu gọi chung chung về tiềm năng đầu tư, đất đai, con người... như trước đây.
Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là vùng kinh tế quan trọng của Việt Nam có diện tích tự nhiên khoảng bốn triệu ha, chiếm 12% tổng diện tích cả nước. Những năm qua, ÐBSCL tập trung đầu tư nhằm khai thác thế mạnh kinh tế chủ lực nông - lâm - ngư nghiệp, chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy vậy, việc đầu tư khai thác chưa tương xứng tiềm năng vốn có của vùng, đặc biệt là việc mời gọi đầu tư trong nước và nước ngoài còn nhiều yếu kém. Cơ sở hạ tầng chậm phát triển, mạng lưới dịch vụ, công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thấp là những nguyên nhân chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Cơ cấu đầu tư và hiện trạng kinh tế, xã hội
Những năm gần đây, tỷ lệ vốn xây dựng cơ bản của Nhà nước đầu tư cho ÐBSCL bình quân 15% - 16% trên tổng vốn đầu tư cả nước, đứng thứ hai sau Ðông Nam Bộ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 1996 - 2000 toàn vùng là hơn 65 nghìn tỷ đồng, bằng 14,8% so với cả nước, trong đó lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp 14%; công nghiệp, xây dựng 23%; dịch vụ và kết cấu hạ tầng 63%. Tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP của vùng là 17,6% (cả nước 28%). Vốn ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung cho cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, đạt hơn 18,7 nghìn tỷ đồng. Chính nhờ những đầu tư đó trong hơn hai năm qua, năng lực sản xuất và kết cấu hạ tầng ÐBSCL tăng lên, chuyển dịch cơ cấu sản xuất khá tích cực, nhiều lợi thế kinh tế của vùng bước đầu được phát huy và đi vào khai thác có hiệu quả.
So với cả nước, ÐBSCL xuất khẩu lương thực chiếm 92%; thủy sản hơn 60% tổng sản lượng. Diện tích trồng lúa giảm gần 150 nghìn ha, lúa vụ ba giảm đáng kể. Toàn vùng có khoảng 400 nghìn ha lúa chất lượng cao. Nhiều tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh, thâm canh cây ăn quả có giá trị như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa, măng cụt, cam sành... Nhiều chợ trái cây, trung tâm thương mại đầu mối tiêu thụ nông sản đã và đang được xây dựng. ÐBSCL có 225 nghìn ha đất trồng lúa một vụ năng suất thấp chuyển sang nuôi tôm, nâng tổng diện tích nuôi tôm toàn vùng đạt gần 400 nghìn ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2002 tăng thêm 163 nghìn tấn so với năm 2000, trong đó tôm tăng 90 nghìn tấn. Các tỉnh ven biển như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh và một số vùng ở An Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long tận dụng mặt nước nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cá và nhiều loài thủy sản xuất khẩu khác đạt hiệu quả kinh tế cao.
Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến phát triển mạnh, nhất là chế biến thủy sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, tập trung ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang. Khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 1,7 tỷ USD khởi công từ năm 2002. Nhiều khu công nghiệp (KCN) mới được hình thành. ÐBSCL hiện có bảy KCN đang hoạt động thu hút 127 dự án đầu tư trong và ngoài nước với vốn đăng ký gần 300 triệu USD và 2.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ÐBSCL còn chậm so với xu thế phát triển của đất nước. Tỷ trọng công nghiệp chỉ chiếm 18% GDP, dịch vụ chiếm 28%, thấp hơn nhiều so với toàn quốc. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm tới 54% GDP. Nguyên nhân của sự chậm chạp này một phần do ÐBSCL chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư trong nước và ngoài nước để tăng tốc độ phát triển trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Tạo nội lực thu hút đầu tư
Dựa trên thế mạnh, tiềm năng kinh tế đa dạng, phong phú, ÐBSCL tập trung mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến để tăng giá trị nông sản, đồng thời gắn với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, giúp nông dân có cơ hội làm giàu chính đáng. Vùng này hiện nay, xuất khẩu nguyên liệu vẫn là chủ yếu, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Nếu các sản phẩm nông sản được chế biến tốt trước khi xuất khẩu giá trị kinh tế sẽ tăng từ hai đến ba lần. Các lĩnh vực ngành nghề cần mời gọi đầu tư là chế biến lương thực, nhất là chế biến lúa gạo; thủy hải sản, bao gồm chế biến tôm, cá các loại; chế biến rau màu, trái cây; chế biến bột đay làm nguyên liệu giấy; chế biến thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi... Bên cạnh đó nhiều lĩnh vực ngành nghề khác, ÐBSCL cũng đang tích cực mời gọi hợp tác đầu tư.
Nét mới của các địa phương vùng ÐBSCL trong mời gọi hợp tác đầu tư hiện nay là bằng các dự án quy hoạch và xây dựng cụ thể trên từng lĩnh vực ngành nghề, không kêu gọi chung chung về tiềm năng, đất đai, con người... như trước đây, nhằm tìm cho mình đối tác thích hợp, đầu tư có hiệu quả. Nghĩa là đầu tư về lĩnh vực gì? Nhà máy công suất bao nhiêu? Cần kỹ thuật, dây chuyền công nghệ, thiết bị gì? Sản xuất sản phẩm gì và tiêu thụ ở đâu? Nguồn vốn đầu tư...? Ðồng thời, các địa phương nêu cụ thể những chính sách thông thoáng, ưu đãi trong khung luật của Nhà nước như: đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép, miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đào tạo công nhân, giá điện, nước, bưu chính - viễn thông, hỗ trợ đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu... giúp các nhà đầu tư có được thông tin chính xác, rõ ràng và mạnh dạn hợp tác với địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Dược, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cần Thơ, về môi trường đầu tư, tỉnh ban hành cơ chế một cửa vì vậy đã rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh cho một doanh nghiệp xuống còn không quá một tuần, có trường hợp chỉ hai, ba ngày là hoàn tất hồ sơ thủ tục. Về ưu đãi đầu tư, giảm giá thuê đất công nghiệp trong các khu công nghiệp tập trung từ bốn USD/m2/năm xuống 0,6 USD/m2/năm, khả năng sẽ còn tiếp tục giảm dưới mức giá này.
Tỉnh Sóc Trăng quy hoạch KCN thị xã Sóc Trăng rộng 50 ha là khu công nghiệp nhẹ, cơ khí, chế biến hàng tiêu dùng vừa và nhỏ để phát triển, mở rộng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và các dịch vụ gắn liền với sản xuất nông thôn. KCN Trần Ðề nằm ven sông Hậu, diện tích 117 ha kêu gọi đầu tư chế biến nông, thủy sản, công nghiệp may mặc và dịch vụ. Cảng Ðại Ngãi phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa, công suất 500 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, Sóc Trăng còn hình thành một số KCN khác mời gọi đầu tư vào chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, may mặc xuất khẩu, công nghiệp hướng về vận tải thủy...
Bến Tre, tỉnh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu lại ưu tiên thu hút đầu tư trên các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo phương pháp công nghiệp; sản xuất giống thủy sản chất lượng cao; sản xuất các loại giống cây ăn trái sạch bệnh; chế biến các sản phẩm từ dừa; bảo quản và chế biến các loại trái cây; đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái...
Ðối với Cà Mau, tỉnh có tiềm năng kinh tế về nông nghiệp, thủy sản, chế biến thủy sản, rừng và du lịch sinh thái. Ðể thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề này, vài năm trở lại đây, Cà Mau huy động vốn đã và đang xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng quan trọng như: cảng thương mại Năm Căn, cảng cá Cà Mau, cảng Hòn Khoai. Ðường bộ có tải nặng đến các trung tâm huyện và các cụm kinh tế quan trọng như: Khánh Hội, sông Ðốc...; các công trình thủy lợi đầu mối gồm: đê biển tây, hệ thống kênh trục cấp 1, cấp 2 phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; các trục giao thông huyết mạch như: quốc lộ 1A đoạn Cà Mau - Năm Căn, quốc lộ 63 nối Cà Mau với tỉnh Kiên Giang. Bên cạnh KCN khí - điện - đạm Cà Mau đang xây dựng, Cà Mau còn hình thành và quy hoạch KCN Khánh An, huyện U Minh mời gọi các nhà đầu tư tham gia hợp tác, liên doanh liên kết, khi hoạt động sẽ là tiền đề để phát triển công nghiệp địa phương.
Các tỉnh còn lại trong vùng ÐBSCL như: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Ðồng Tháp, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu đang có những động thái tích cực mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia hợp tác, liên doanh, liên kết. Với những nỗ lực chung đó, trong tương lai không xa, vùng đất "chín Rồng" sẽ thật sự sôi động, trở thành vùng kinh tế trọng điểm, năng động.
LÊ HUY HẢI