Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam
Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) dành cho Việt Nam năm 2004 diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 1-2/12/2004, dưới sự chủ toạ của Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Võ Hồng Phúc và Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Klaus Rohland. Đoàn Đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Khoan và Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dẫn đầu. Phía các nhà tài trợ có đoàn của các nước Ô-xtơ-rây-li-a, Áo, Bỉ, Ca-na-đa, Trung Quốc, Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hung-ga-ri, Ai-len, ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lúc-xăm-bua, Hà Lan, Niu-di-lân, Na-uy, Nga, Xin-ga-po, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ, Thái Lan, Anh, Hoa Kỳ, Cộng đồng Châu Âu. Các tổ chức phát triển đa phương tham gia Hội nghị gồm: Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Chương trình Phát triển LHQ. Nội dung chủ yếu của Hội nghị CG gồm 3 vấn đề chính:
1. Những thành tựu, thách thức và tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2006-2010;
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh: tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong 5 năm tới. Trong khi phấn đấu đạt tăng trưởng cao, chúng tôi luôn dành mối quan tâm cao cho việc giải quyết các vấn đề xã hội mà xoá đói giảm nghèo là một ưu tiên hàng đầu. Để giải quyết nhiệm vụ này, vừa qua và trong những năm tới chúng tôi rất cần sự tài trợ của các nhà tài trợ. Nhân dân và Chính phủ chúng tôi chân thành cảm ơn Chính phủ, nhân dân các nước tài trợ cũng như các tổ chức quốc tế về sự trợ giúp rất quý báu trong những năm qua.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Võ Hồng Phúc cho biết, những đổi mới về nội dung của kế hoạch 5 năm 2006-2010, sẽ thể hiện bằng việc thay đổi hệ thống chỉ tiêu trong kế hoạch, trên cơ sở thu hẹp các chỉ tiêu số lượng, mở rộng các chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển. Ngoài các chỉ tiêu kinh tế, cần tính toán xác định các chỉ tiêu phản ánh chất lượng cuộc sống, phát triển con người, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Kế hoạch 5 năm cụ thể hoá đầy đủ các mục tiêu được xác định trong các chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực, Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo (CPRGS), các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam; các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho biết, nguồn vốn ODA trong 5 năm 2006-2010 dự kiến ký kết khoảng 14-15 tỷ USD, ước thực hiện 11-12 tỷ USD. Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, đẩy nhanh việc giải ngân và sử dụng có hiệu quả vốn ODA.
Các nhà tài trợ đều đánh giá cao Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tháng 9/2004 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010, hoàn toàn ủng hộ việc lồng ghép Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo trong kế hoạch 5 năm của Chính phủ. Các nhà tài trợ coi kế hoạch đó là một khung pháp lý tổng thể để qua đó lồng ghép sự hỗ trợ của các nhà tài trợ cho các ưu tiên của quốc gia.
Các đại biểu đã hoan nghênh những tiến bộ kinh tế lớn lao của Việt Nam trong mấy năm qua, đặc biệt là việc quản lý vĩ mô. Các nhà tài trợ cũng ghi nhận những thành tựu gần đây của Chính phủ trong tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và vai trò chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện chiến lược CPRGS. Các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ Chính phủ trong việc chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội lần tới, đồng thời cam kết hỗ trợ để giải quyết bất bình đẳng ngày càng tăng đối với các nhóm dân tộc, các vùng và giới…
Thách thức chủ yếu trong những năm tới:
Ông Jordan Ryan, Điều phối viên LHQ và Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ cho rằng: “Thách thức chủ yếu trong tương lai là nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm lợi ích của tăng trưởng được phân chia một cách rộng rãi nhất giữa các nhóm xã hội và kinh tế, công bằng giữa phụ nữ và nam giới, giữa trẻ em trai và gái. Về HIV/AIDS, chiến lược quốc gia được thông qua mới đây là cơ sở vững chắc cho các chương trình hành động tiếp theo. Tuy nhiên để thành công, một nhân tố quan trọng là cam kết của các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức quần chúng để tạo ra những nỗ lực quốc gia thực sự để kiểm soát việc lây lan của vi rút và chấm dứt kỳ thị, phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS.”
Đại sứ Nhật Bản, Ngài Norio Hattori nhấn mạnh: “Điều quan trọng là kế hoạch 5 năm tới là sẽ chuyển dịch từ cách tiếp cận định hướng mục tiêu sản xuất của nền kinh tế kế hoạch hoá tiến tới quá trình lập kế hoạch hiện đại hướng tới chỉ tiêu. Hiện nay chiến lược CPRGS và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm ở Việt Nam cùng tồn tại song song. Nhật Bản ủng hộ phương hướng thống nhất trong Hội nghị CG giữa kỳ vừa qua là chiến lược CPRGS cần phải được lồng ghép vào kế hoạch 5 năm tiếp theo. Theo đó, quan trọng là phải làm rõ các yếu tố chủ đạo của CPRGS như lập kế hoạch theo kết quả phát triển và sự tham gia của người dân.”
2. Tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu
Phó Thủ tướng Vũ Khoan thông báo những tiến bộ quan trọng trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, cũng như những thách thức sẽ nảy sinh trong việc thực hiện những cam kết WTO và tận dụng tối đa những lợi ích từ việc là thành viên của WTO. Các nhà tài trợ đều hoan nghênh những tiến bộ về kinh tế của Việt Nam trong những năm qua và cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam vượt qua những thách thức này trong khuôn khổ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tiếp theo.
Đại sứ Hà Lan, Ngài Gerben de Jong, đại diện Liên minh Châu Âu phát biểu: “Liên minh Châu Âu với tư cách là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam vui mừng vì đã ký kết một hiệp định song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Hiệp định này đem lại một bước tiến quan trọng để Việt Nam tiến gần hơn đến WTO. Gia nhập WTO là một cơ hội lớn đối với Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn: nền kinh tế sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế một cách toàn diện, đòi hỏi chuẩn bị về cơ cấu nhằm hạn chế những tác động tiêu cực về mặt xã hội. Chính phủ cần đảm bảo thị trường lao động cho thời kỳ hâụ gia nhập WTO, thông qua đào tạo thích hợp.”
Ông Klaus Rohland, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, phát biểu: “Trong 5 năm tới Việt Nam sẽ gia nhập WTO và hoàn tất quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Yếu tố then chốt là tăng cường nền móng cho nền kinh tế thị trường thuận lợi cho phát triển kinh doanh, trong khi tập trung sự can thiệp của Chính phủ vào các lĩnh vực mà thị trường không thể can thiệp như các chương trình xoá đói giảm nghèo, bảo trợ xã hôi, đảm bảo một môi trường trong sạch và an toàn cho các thế hệ tương lai.’’
Về những sáng kiến của Chính phủ Việt Nam trong đấu tranh chống tham nhũng, các nhà tài trợ đánh giá cao bài phát biểu của Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm trong việc chống tham nhũng bằng những chính sách cụ thể và tin tưởng rằng những chính sách này là cơ sở để giải quyết tốt nhất vấn đề này.
Ngài Đại sứ Đan Mạch Peter Lysholt Hansen nhấn mạnh: Các cam kết của Chính phủ và Quốc hội trong đấu tranh chống tham nhũng và hợp tác với các nhà tài trợ trong lĩnh vực này rất đáng được hoan nghênh…tăng cường tính minh bạch và chịu trách nhiệm trong tất cả các cấp của Chính phủ cũng như cải cách luật pháp sâu rộng là chìa khoá để đạt được tiến bộ thực sự. Cần ưu tiên tính minh bạch trong quản lý.
3. Nâng cao hơn nữa hiệu quả viện trợ, hướng tới Diễn đàn cấp cao lần thứ 2 về hài hòa thủ tục ODA sẽ được tổ chức vào tháng 3/2005 tại Pháp
Các nhà tài trợ hoan nghênh những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong kế hoạch hành động nhằm hài hoà hoá các thủ tục viện trợ và nâng cao hiệu quả viện trợ. Các nhà tài trợ cũng nhất trí rằng Nghị định 17 của Chính phủ Việt Nam sửa đổi và quy hoạch mới về ODA sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ 2006-2010.
Ngài Bradford Phillips, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng phát triển Châu Á nói, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ phát triển chính thức ODA để xây dựng các tiêu chí chung nhằm đạt được mục tiêu và kết quả phát triển từ ngắn đến trung hạn ở mức cao nhất. Để đạt được mục đích này, các chỉ tiêu của chiến lược CPRGS, các mục tiêu phát triển của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội phải lượng hoá được trên cơ sở dữ liệu đáng tin cậy và được thu thập theo phương thức khoa học. Chúng tôi cho rằng việc xây dựng và nhất trí về các tiêu chí là điều kiện thiết yếu để đảm bảo thực hiện thành công chiến lược CPRGS, các mục tiêu phát triển của Việt Nam cũng như việc hợp tác có hiệu quả hơn giữa các nhà tài trợ trong tương lai.”
Về môi trường đầu tư ở Việt Nam:
Ông Mirkus Cornaro, Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Ủy ban châu (EC) tại Việt Nam cho rằng hiện tại môi trường đầu tư ở Việt Nam rất khả quan, thu hút và giữ chân được nhiều nhà đầu tư cũng như tài trợ...
Ông Martin Rama, chuyên viên kinh tế của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận xét, môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được cải thiện là một tín hiệu tốt, thu hút được sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư mới. Cụ thể là lần này Việt Nam có thêm hai đối tác đầu tư mới là Hung-ga-ri và Ai-len.
Ông Klaus Rohland, Giám đốc khu vực Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận xét, Việt Nam đã có những nổ lực đáng kể trong việc cải cách hành chính , không chỉ trong nước mà còn biết cách làm hài lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác Việt Nam dường như họ biết các nhà đầu tư muốn gì và đã có những thay đổi nhất định để phù hợp với các yêu cầu đó.
Kết quả điều tra của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho thấy, Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong số những nước mà các công ty Nhật muốn tới đầu tư.
Kết thúc Hội nghị, 34 nhà tài trợ song phương và đa phương quốc tế đã cam kết viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam 3,4 tỷ USD. Khoản tài trợ này vượt hơn 600 triệu USD so với con số cam kết 2,8 tỷ USD năm 2003. Trong số cam kết tăng này, 170 triệu USD do thay đối trong tỷ giá hối đoái so với năm trước, khoảng 100 triệu USD do tính gộp cả số cam kết của các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong năm nay và khoảng 400 triệu USD là của chính phủ Pháp (tăng hơn 3 lần so với cam kết tại hội nghị năm ngoái)...Ước tính có khoảng 1/3 là viện trợ không hoàn lại, còn lại là các khoản vay với lãi suất thấp. Trong số các nhà tài trợ, Nhật tiếp tục giữ vai trò nhà viện trợ hàng đầu với mức cam kết 902 triệu USD, tiếp theo là Ngân hàng Thế giới với 750 triệu USD, thứ ba là Pháp.
Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết 3,4 tỷ là kết quả quan trọng nhưng có những điều còn quan trọng hơn đó là các tổ chức quốc tế cũng như các nước đều ủng hộ mạnh mẽ chính sách mà Việt Nam đang thi hành, đánh giá cao thành tựu của Việt Nam, khích lệ Việt Nam tiếp tục thực thi chính sách đó. Theo Phó Thủ tướng có một điều trùng hợp ngẫu nhiên và lý thú là tại Quốc hội và Hội nghị Nhóm tư vấn, vấn đề đặt ra giống nhau đó là tăng trưởng, kết hợp kinh tế và xã hội, hiệu quả của nền kinh tế, chống tham nhũng, cải cách hành chính... Điều đó cho thấy ý kiến của các Nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam có nhiều điểm rất hợp nhau.
Tại buổi tiếp Trưởng đoàn các tổ chức quốc tế và Đại sứ của các nước tham dự Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà Tài trợ cho Việt Nam lần thứ 12, Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định, nguồn vốn của các nhà tài trợ đã giúp cho Việt Nam trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện xóa đói giảm nghèo, làm cho bộ mặt của đất nước thay đổi nhanh chóng. Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung vào những vấn đề như nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch, quan tâm đầu tư hơn nữa cho các lĩnh vực xã hội như y tế và giáo dục, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chống tham nhũng.
(Tổng hợp từ tài liệu của Hội Nghị CG tháng 12/2004, tại Hà Nội và báo chí Việt Nam từ ngày 1-10/12/2004).