Điểm báo trong nước ngày 7/3/2005

1. Kết thúc Ðại Hội đồng Tổng Liên hội Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam)

Sau bốn ngày làm việc, tối 4-3, tại TP Hồ Chí Minh, Ðại Hội đồng Tổng Liên hội Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) lần thứ II, nhiệm kỳ 2005-2009 (lần thứ 44 theo lịch sử Giáo hội), đã bế mạc.
Trong các ngày làm việc, Ðại Hội đồng đã thảo luận, thông qua báo cáo đánh giá các mặt hoạt động của Tổng Liên hội trong nhiệm kỳ I; góp ý tu chỉnh Hiến chương của Hội thánh, trong đó tập trung thảo luận các vấn đề về vai trò, vị trí của các ban đại diện; các vấn đề về vai trò và phạm vi hoạt động của Hội đồng Giáo phẩm; bầu Ban Tu chỉnh Hiến chương; bầu Ban Trị sự Tổng Liên hội nhiệm kỳ II bao gồm 23 thành viên. Mục sư Thái Phước Trương được bầu làm Hội trưởng Tổng Liên hội Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam). Các Mục sư Ngô Văn Bửu và Tăng Văn Hy được bầu làm Phó Hội trưởng Tổng Liên hội. Mục sư Lê Văn Thiện được bầu làm Tổng Thư ký Tổng Liên hội.
Ðại Hội đồng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Tổng Liên hội nhiệm kỳ 2005 - 2009 là: Tập trung ổn định tổ chức; mở rộng các hoạt động giáo dục chức sắc; nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi hội địa phương, đồng thời kêu gọi các mục sư, mục sư nhiệm chức, truyền đạo và bà con tín hữu đoàn kết, tôn trọng tôn chỉ, mục đích hành đạo mà Hội thánh đã lựa chọn theo phương châm "Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc" (ND05/03).

2. 2 tháng đầu năm 2005: Thu hút trên 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Theo Tổng cục Thốngkê, 2 tháng đầu năm, cả nước đã có 58 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD. Địa phương dẫn đầu cả nước về số dự án được cấp phép là TP HCM với 26 dự án, Bình Duơnưg 10 dự án, Hà Nội 5 dự án. Tuy nhiên nếu tính theo số vốn đăng ký thì Hà Nội dẫn đầu với trên 704 triệu USD, Đồng Nai 191 triệu USD, TPHCM đứng thứ 3 với 64 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm, các quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu về số dự án đầu tư váo Việt Nam là Hàn Quốc (14 dự án), lãnh thổ Đài Loan (8 dự án), Nhật Bản và Hoa Kỳ (5 dự án mỗi nước)…Theo dự báo của Bộ KHĐT, năm 2005 ước tính thu hút khoảng 4,2 đến 4,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (SGGP 06/03).

3. Hà Nội đang dẫn đầu về thu hút FDI

Trong 2 tháng đầu năm 2005, thành phố Hà Nội đã thu hút được 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 824,28 triệu USD, chiếm 68,3% tổng vốn đăng ký của cả nước và dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Ðáng chú ý, có hai dự án có tổng vốn đầu tư lớn là dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh mạng điện thoại di động CDMA (trị giá 656 triệu USD) và dự án Công ty TNHH Coralis Việt Nam xây dựng tòa nhà 65 tầng (114,581 triệu USD).

Ðể thu hút vốn FDI trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao hơn nữa, thành phố đang đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, ưu tiên xúc tiến đầu tư vào các dự án trọng điểm (TBKTVN 06/03).

4. Việt Nam vào WTO: Đẩy nhanh làm luật để tăng tốc đàm phán

Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Chính phủ có tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 4/3, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét thông qua ngay trong năm 2005 các dự án Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư (sửa đổi), Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập WTO.

Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trình bày, Chính phủ cũng đề nghị trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số dự án luật khác (Luật khiếu nại, tố cáo - sửa đổi; Luật về luật sư; Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật chứng khoán) và ban hành hai pháp lệnh về tiêu chuẩn hóa và ngoại hối trong năm 2005, thay vì 2006 như dự kiến.

Đặc biệt, Chính phủ còn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc triệu tập thêm một kỳ họp Quốc hội nữa trong năm 2005 để thực hiện việc xây dựng pháp luật (26 luật, bộ luật và 4 pháp lệnh) đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật phục vụ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đề xuất: ngoài chương trình đã dự kiến, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2005), Quốc hội sẽ làm việc thêm hai ngày để cho ý kiến về dự án Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư (sửa đổi); tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2005) sẽ làm việc thêm bốn ngày để thông qua hai luật này cùng với Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Chủ tịch đề nghị Chính phủ có tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005 tại kỳ họp thứ 7 sắp tới (TBKTVN 05/03).

5. Khống chế cổ phần của nhà ĐTNN theo lĩnh vực

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy định về khống chế cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (30%) trong doanh nghiệp Việt Nam cổ phần hoá sẽ được nới lỏng bằng cách quy định lại danh mục những lĩnh vực hạn chế. Theo đó, việc khống chế mua cổ phần chỉ được áp dụng trong một số lĩnh vực phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, ví dụ như tài chính, ngân hàng, viễn thông.
Ngoài các lĩnh vực trong danh mục này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần không hạn chế của một tổ chức phát hành. Thời điểm công bố danh mục các lĩnh vực này dự kiến vào cuối quý I năm nay theo đúng chỉ đạo của Chính phủ (Đầu tư 07/03).

6. Nới lỏng hạn chế đối với các ngân hàng đến từ EU

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định 210/2005/QĐ-NHNN về việc điều chỉnh tỷ lệ huy động tiền gửi VND đối với chi nhánh ngân hàng của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoạt động tại Việt Nam.

Theo đó, các ngân hàng này được phép nhận tiền gửi bằng VND từ pháp nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng tối đa bằng 400% vốn được cấp, từ thể nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng tối đa bằng 350% vốn được cấp. Như vậy, so với quyết định được ban hành vào tháng 4/2004 thì tỷ lệ này đã được nới rộng hơn (mức trước đây là 250%) và hiện đã tương đương với chi nhánh ngân hàng Mỹ hoạt động tại Việt Nam.

Việc ban hành Quyết định trên nằm trong kế hoạch của Chính phủ trong đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên NHNN nâng tỷ lệ huy động VND cho các ngân hàng châu Âu, trong năm 2004, NHNN đã có quyết định tương tự khi nâng từ mức 50% áp dụng suốt trong thời gian trước đó lên mức 250%.

Như vậy, trong 27 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đến từ nhiều nước, chỉ có các ngân hàng Mỹ và châu Âu là có mức huy động VND cao hơn cả. Ngân hàng châu Âu mặc dù ngang bằng với ngân hàng Mỹ, nhưng vẫn chưa có lộ trình nâng tỷ lệ huy động này. Sau năm 2005, các ngân hàng châu Âu có được tiếp tục nâng tỷ lệ huy động VND hay không là điều chưa chắc chắn. Đây chính là điều mà nhiều ngân hàng nước ngoài luôn lên tiếng về việc NHNN cần có một lộ trình áp dụng chung cho tất các ngân hàng nước ngoài như ngân hàng đến từ Mỹ. Mặc dù đáp ứng này chưa được NHNN thoả mãn, nhưng theo ông Alain Cany, Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, việc nâng tỷ lệ huy động VND (bắt đầu từ tháng 3/2005) cho các ngân hàng thuộc Liên minh châu Âu lên ngang bằng với các ngân hàng đến từ Mỹ là một tín hiệu tốt. “Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình hội nhập, việc mở cửa cho lĩnh vực ngân hàng và nới lỏng các hạn chế đối với các ngân hàng nước ngoài sẽ sớm diễn ra và đây sẽ là cơ hội để ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam”, ông Alain Cany hy vọng.Hiện tại, trên thị trường Việt Nam có 27 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, 3 công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài và 44 văn phòng đại diện các định chế tài chính nước ngoài. Hoạt động của các ngân hàng có vốn nước ngoài tại Việt Nam được NHNN đánh giá cao, tuy nhiên, hiện tại khối ngân hàng nước ngoài mới chỉ chiếm hơn 10% thị phần ngân hàng Việt Nam (Đầu tư 07/03).

7. Phê duyệt việc xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia 2005

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định số 44/2005/QĐ-TTg phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm năm 2005 tập trung vào 18 mặt hàng mà Bộ Thương mại đã đề xuất trước đó. Như vậy, các mặt hàng sẽ được Chính phủ hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu là gạo, thủy sản, chè, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, rau quả tươi và rau quả chế biến, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng điện - điện tử - tin học, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, thịt lợn và thực phẩm chế biến, tăng thêm năm mặt hàng so với năm 2004.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, với quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2005 sẽ lên đến hơn 600 tỉ đồng.

Theo đề xuất của Bộ Thương mại, ngoài những mặt hàng này, mặt hàng mới xuất khẩu lần đầu, mặt hàng mới xuất khẩu sau một thời gian gián đoạn, mặt hàng chỉ xuất khẩu không tiêu thụ trong nước... cũng sẽ được xếp vào danh mục hỗ trợ. Đồng thời các thị trường trọng điểm của xúc tiến thương mại ngoài Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật sẽ được bổ sung thêm châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng (TBKTVN 07/03).

8. Triển khai dịch vụ gọi điện trên máy bay

Bộ Bưu chính Viễn thông vừa cho phép Vietnam Airlines triển khai dịch vụ gọi điện thoại trên máy bay, tạo điều kiện cho hãng chính thức cung cấp dịch vụ này trên một số chuyến quốc tế kể từ nay đến cuối năm.Với dịch vụ này, khách hàng có thể sử dụng điện thoại trên máy bay để gọi điện thoại đường dài trong nước và quốc tế. Trưởng ban Khoa học Công nghệ Vietnam Airlines Tô Đình Dũng cho biết, thời gian đầu hãng sẽ thử nghiệm lắp đặt trên 6 máy bay Boeing 777. Nếu kết quả tốt, hãng sẽ triển khai tại một số loại máy bay khác.

Theo ông Dũng, cho phép gọi điện thoại trên máy bay là một ý tưởng không mới vì trước đó, nhiều hãng hàng không các nước đã làm. Ông thừa nhận, lợi nhuận mang lại từ dịch vụ này không cao vì vậy, Vietnam Airlines không đặt mục tiêu kinh doanh khi triển khai.

"Tuy nhiên, để tăng tính cạnh tranh với các hãng quốc tế, Vietnam Airlines phải có đầy đủ các dịch vụ cần thiết. Ban đầu, dịch vụ gọi điện thoại trên máy bay chỉ dành cho những đối tượng khách hàng lớn như thương nhân hoặc khách VIP của hãng. Do vậy, những chiếc điện thoại này sẽ được lắp trên những hàng ghế hạng sang hoặc ở vị trí cố định theo thiết kế của máy bay", ông Dũng nói.
Theo đề án mà Vietnam Airlines trình trước đây, giá cước dự kiến của dịch vụ gọi điện thoại trên máy bay vào khoảng 7,9 USD ở phút đầu, các phút tiếp theo sẽ tính theo block 6 giây. Tuy nhiên, trong quyết định ban hành tuần trước, Bộ Bưu chính Viễn thông vẫn chưa chấp nhận phương án tính cước này.

Vì vậy, Vietnam Airlines vẫn chưa thể triển khai ngay dịch vụ mà phải chờ đến khi nào chính thức có phương án tính cước do bộ phê duyệt.

Trong lúc này, Bộ Bưu chính Viễn thông vẫn đang xem xét đề án cung cấp dịch vụ Internet trên máy bay do hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing kiến nghị trước đây. Theo bộ, việc triển khai dịch vụ Internet trên máy bay vẫn đang là vấn đề cần bàn của các hãng hàng không quốc tế, do vậy, cần xem xét đến từng trường hợp cụ thể mới có thể đưa ra câu trả lời chính thức (TBKTVN03/03).

9. EC tài trợ hoạt độngtrong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Ngày 4-3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến và Đại sứ - Trưởng đại diện phái đoàn Ủy ban châu Âu (EC) tại Việt Nam đã chính thức khai trương Dự án quốc gia về sở hữu trí tuệ giữa EC và các nước ASEAN (Chương trình ECAP II).

Việt Nam là nước nhận được tài trợ lớn nhất trong chương trình ECAP 11 với khoản ngân sách là 31,4 tỷ đồng (1,5 triệu euro) để triển khai hơn 50 hoạt động về sở hữu trí tuệ đã được xác định.
Với mục đích giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo hộ và thúc đẩy các hoạt động sáng kiến, sáng tạo của Việt Nam cũng như tăng cường đầu tư và thương mại với nước ngoài, ECAP 11 sẽ tập trung vào các hoạt động liên quan đến hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao hiểu biết của công chúng về sở hữu trí tuệ (ND 05/03).

10. Hàn Quốc bắt đầu chương trình phát thanh tiếng Việt

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hãng phát thanh truyền hình quốc gia Hàn Quốc (KBS) chính thức khai trương chương trình phát thanh tiếng Việt nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Tham dự lễ khai trương trọng thể tại trụ sở Hãng KBS có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Hàn Quốc Dương Chính Thức và nhiều cán bộ Việt Nam. Buổi phát thanh đầu tiên bắt đầu từ 22 giờ (giờ Việt Nam) ngày 3-3 trên tần số 9640 KHz. 9ND06/03).

-Hết-