Hỗ trợ cộng đồng ổn định, phát triển, hội nhập và duy trì bản sắc, văn hoá dân tộc

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực về tư duy và hành động, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định.

Trong báo cáo trình bày tại Hội nghị sơ kết triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, diễn ra sáng 10/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn chú trọng nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng ổn định, phát triển, hội nhập sở tại và phát huy vai trò cầu nối hữu nghị giữa các nước với Việt Nam. 0209TRIET.jpg

Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sau 3 năm hoạt động đã tài trợ hàng chục dự án hỗ trợ về giáo dục cho cộng đồng ở một số địa bàn khó khăn như Lào, Csmpuchia, Thái Lan; tổ chức cho thanh niên, trí thức kiều bào tiêu biểu về nước giao lưu, làm việc; tổ chức các đoàn văn nghệ đi biểu diễn phục vụ cộng đồng tại Pháp, Thái Lan, Nga và các nước Bắc Âu.

Nhiều chính sách, biện pháp đã và đang được rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới theo hướng ngày càng thuận lợi hơn cho bà con Việt kiều. Đã có 42 bộ luật, luật, 25 nghị quyết, 16 pháp lệnh trong đó có các qui định liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài về các lĩnh vực đầu tư, mở doanh nghiệp, mua nhà, đất đai, cư trú, kiều hối đã được Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua.

Chính phủ cũng đã ban hành một số nghị định hoặc phê duyệt một số dự án liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những chính sách nhằm thu hút trí thức, doanh nhân, nhà đầu tư kiều bào về hợp tác với trong nước như miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng đối tượng người Việt Nam được mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam; cho phép kiều bào mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc kết nối các doanh nhân, trí thức kiều bào với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, đơn giản hoá các thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, cư trú đi lại, hợp pháp hoá các loại giấy tờ, thực hiện chính sách một giá.

Công tác vận động cộng đồng được thúc đẩy mạnh mẽ theo tinh thần đại đoàn kết dân tộc, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh làm điểm tương đồng, chấp nhận những quan điểm khác nhau miễn là không trái với lợi ích chung của dân tộc; không phân biệt quá khứ, chính kiến, hướng tới tương lai.

Công tác vận động cộng đồng được thúc đẩy mạnh mẽ theo tinh thần đại đoàn kết dân tộc, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh làm điểm tương đồng, chấp nhận những quan điểm khác nhau miễn là không trái với lợi ích chung của dân tộc; không phân biệt quá khứ, chính kiến, hướng tới tương lai.

Công tác thông tin văn hoá, khuyến khích giao lưu hội đoàn, văn hoá, thể thao được đẩy mạnh. Các hoạt động giao lưu của cộng đồng Việt kiều với trong nước được mở rộng, việc hỗ trợ cộng đồng dạy và học tiếng Việt đang được các cơ quan trong nước và ở nước ngoài phối hợp triển khai.

Số Việt kiều về thăm quê hương, tìm hiểu điều kiện đầu tư ngày càng tăng, từ 300.000 người năm 2003 lên hơn nửa triệu người trong năm 2006. Tính đến hết năm 2006, có 2.050 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước, với số vốn là 14.500 tỷ đồng. Lượng kiều hối bà con gửi về nước năm sau cao hơn năm trước, từ 2,7 tỉ USD năm 2003 lên 4,8 tỉ USD năm 2006.

Hàng năm có hàng trăm lượt chuyên gia trí thức về nước nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu; nhiều hội, đoàn và các tổ chức nghề nghiệp của người Việt, đặc biệt là ở các nước phát triển đã thực hiện các hoạt động, các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và các hoạt động mang tính nhân đạo trợ giúp đồng bào trong nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc, hạn chế ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác này thời gian qua. Đó là có lúc, có nơi, tình trạng thiếu nhất quán ở cấp địa phương và cơ sở, cơ quan trong nước và ngoài nước vẫn còn tồn tại, gây phiến hà, bức xúc cho kiều bào, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, đơn thư khiếu nại.

Có lúc, có nơi, tình trạng thiếu nhất quán ở cấp địa phương và cơ sở, cơ quan trong nước và ngoài nước vẫn còn tồn tại, gây phiến hà, bức xúc cho kiều bào, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, đơn thư khiếu nại.

Để công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát huy hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh nhiệm vụ giai đoạn 2007- 2010 sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, phát triển và hội nhập sở tại và duy trì bản sắc, văn hoá dân tộc; hỗ trợ cho hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa để bà con kiều bào ngày càng gắn bó với trong nước. Những vấn đề bức xúc của Việt kiều sẽ được giải quyết dứt điểm như miễn thị thực; tạo điều kiện dễ dàng cho Việt kiều được mua nhà, quyền sử dụng đất; đơn giản hoá thủ tục hồi hương; xem xét vấn đề hai quốc tịch; việc xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam của Việt kiều...

Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ các biện pháp và chính sách nhằm tạo môi trường thông thoáng hơn để doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội về nước làm ăn, đầu tư, buôn bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học./.

TTXVN