Hiệp định TPP - Cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu hơn

 

VNA - Ngày 26/3, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đồng tổ chức hội thảo "Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Ý nghĩa và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam."
 
Diễn giả gồm giáo sư Peter A.Petri, Đại học Brandeis (Hoa Kỳ); Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tập đoàn Dệt may Việt Nam; đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tham dự.
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Mary Beth, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết Hiệp định TPP là một trong những ưu tiên trọng tâm của Chính phủ Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế liên khu vực, tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam.
 
Là thành viên TPP, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và tiềm năng kinh tế. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), TPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.
 
Chia sẻ về tình hình đàm phán Hiệp định TPP và sự tham gia của Việt Nam, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết TPP hiện đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức, được kỳ vọng là một Hiệp định kiểu mẫu của thế kỷ 21 với những lĩnh vực đàm phán gồm: mở cửa thị trường, quy tắc xuất xứ, dịch vụ tài chính, đầu tư và dịch vụ, sở hữu trí tuệ, môi trường, mua sắm chính phủ, lao động, các vấn đề pháp lý.
 
Việt Nam tham gia TPP trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục được dự báo là khu vực phát triển năng động nhất trong thập kỷ tới. Kể từ khi là thành viên liên kết, Việt Nam đã tham gia và thể hiện thái độ tích cực trong đàm phán, thảo luận các vấn đề mà các bên cùng quan tâm.
 
Giáo sư Peter A.Petri, Đại học Brandeis nhận định Hiệp định TPP mang lại một thị trường rất lớn để Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều hơn vào các nền kinh tế của TPP.
 
Giáo sư Peter A.Petri cho rằng trước mắt Việt Nam còn phải tiến hành những cuộc đàm phán rất hóc búa về quy tắc xuất xứ, các vấn đề xã hội (lao động, môi trường) nhưng lại là nước có tiềm năng hưởng lợi nhiều hơn cả. Theo đó, lợi ích đối với Việt Nam là xuất khẩu hàng chế tác nhiều hơn (34%); nhập khẩu nhiều hơn hàng tiêu dùng và hàng sản xuất (27%); nguồn vốn FDI đổ vào nhiều hơn (2%); quan hệ chặt chẽ hơn với các chuỗi sản xuất quốc tế. 
 
Lợi ích từ việc tăng năng suất lao động, ba mặt hàng thay đổi về xuất khẩu sẽ là hàng dệt may; quần áo, giày dép và máy móc. Về nhập khẩu, ba mặt hàng lớn nhất sẽ là hàng dệt may, hóa chất, giao thông vận tải.
 
Cập nhật tình hình đàm phán TPP và những quan điểm của cộng động doanh nghiệp Việt Nam, đại diện VCCI cho biết kỳ vọng của doanh nghiệp Việt Nam đối với TPP là tăng xuất khẩu, tiếp cận hàng hóa nguyên liệu giá rẻ, thị trường dịch vụ nội địa cạnh tranh.
 
Tuy nhiên, tiếp cận thị trường các nước TPP là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhất, do nguyên liệu hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu lại nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường của các nước TPP trong khi lại phải đối mặt với những nguy cơ từ việc mở cửa thị trường trong nước. 
 
Trong lĩnh vực lao động, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế liên quan lao động, nhưng chưa sẵn sàng cho những tiêu chuẩn nội dung và thực thi quá cao.
 
Theo ước tính của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nếu đàm phán Hiệp định TPP kết thúc thuận lợi thì xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tới thị trường Hoa Kỳ có thể tăng 12-13% thay vì 7% như hiện nay và có thể đạt 30 tỷ USD/năm.
 
Nhờ có TPP, thị trường Hoa Kỳ sẽ chiếm 55% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam thay vì 49% như hiện nay. Cơ hội sẽ là khả năng thu hút đầu tư của ngành công nghiệp dệt may, đặc biệt là ngành dệt và nhuộm; nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa dệt may địa phương; cải thiện lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.
 
Một vấn đề đặt ra là trong khi sản xuất sợi trong nước đạt 500.000-600.000 tấn, nhưng chủ yếu là sợi chất lượng thấp hoặc trung bình, ngành dệt may Việt Nam lại phải nhập khẩu sợi chất lượng cao./.