Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry

VNA - Chiều 7/8, tại Nhà khách Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh Ngoại trưởng John Kerry trở lại thăm Việt Nam, bày tỏ hài lòng về sự phát triển tích cực trên nhiều mặt của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong hai năm qua sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp; tin tưởng rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác có hiệu quả trên cả 9 lĩnh vực trong khuôn khổ Đối tác toàn diện xác lập tháng 7/2013.

 

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đang chia sẻ nhiều lợi ích trong việc duy trì và thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, cũng như chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm trong việc duy trì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tiếp tục các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là các cuộc tiếp xúc cấp cao; đề nghị Hoa Kỳ linh hoạt, tính đến trình độ phát triển của Việt Nam trong xử lý một vài vấn đề còn lại nhằm sớm kết thúc đàm phán giữa hai nước về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đề nghị Hoa Kỳ tích cực triển khai các dự án tẩy độc chất da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa sau khi hoàn thành việc tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng, đồng thời tăng trợ giúp Việt Nam chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự biến đổi khí hậu.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam để tăng cường xây dựng lòng tin giữa hai nước.

 

Ngoại trưởng John Kerry bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; đánh giá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là hình mẫu về việc hai nước cựu thù vượt qua quá khứ để xây dựng quan hệ bạn bè, đối tác.

 

Ngoại trưởng John Kerry đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong đàm phán TPP, khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các bên sớm kết thúc đàm phán TPP; cam kết sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án tẩy độc chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa; khẳng định ủng hộ việc mở cửa hơn nữa thị trường cho các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông sản; khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hơn nữa trong đối phó với biến đổi khí hậu.

 

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực, trong đó có kết quả các hội nghị ASEAN mới đây tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ngoại trưởng Kerry bày tỏ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cho rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp để tăng cường đoàn kết ASEAN.

 

Về vấn đề Biển Đông, hai bên cho rằng các bên liên quan cần thực hiện nghiêm túc DOC, tiến tới COC, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

 

* Sau cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry đã chủ trì một cuộc họp báo thông báo kết quả hội đàm và trả lời câu hỏi báo chí.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết đánh giá về triển vọng hoàn tất Hiệp định TPP, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết: “Đã có những tiến bộ nhưng vẫn còn những vấn đề tồn đọng, mà hôm nay chúng tôi đã thảo luận những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Các nước khác cũng có những vấn đề phải giải quyết trong những ngày tới để hy vọng TPP sẽ được hoàn tất vào dịp cuối năm nay”.

 

Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng John Kerry bày tỏ quan ngại của Hoa Kỳ trước việc quân sự hóa, lấn đảo; đồng tình phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao hoặc thông qua tòa án quốc tế. Trao đổi với phóng viên về vấn đề nhân quyền, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết hai nước đã thảo luận thường xuyên và thẳng thắn về vấn đề này, ngay từ khi mới bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định ở Việt Nam hết sức coi trọng và thúc đẩy quyền con người. Một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đã, đang làm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để thúc đẩy quyền con người. Đến nay Việt Nam là một trong số các nước trên thế giới đã tham gia hầu hết các công ước về quyền con người. Giữa Việt Nam với các nước về vấn đề quyền con người vừa có tính phổ quát nhưng cũng có tính đặc biệt, tùy thuộc vào sự phát triển của các nước cũng như sự khác biệt về văn hóa. Do đó Việt Nam đã và đang đối thoại về nhân quyền với nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, nhằm trao đổi những vấn đề còn khác biệt, chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện, làm tốt hơn các chính sách về quyền con người.

 

Về lĩnh vực an ninh quốc phòng, hiện nay một vấn đề còn tồn tại là Hoa Kỳ chưa dỡ bỏ hoàn toàn Lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Việt Nam mong rằng Hoa Kỳ sớm xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, tăng cường về hợp tác, an ninh quốc phòng. Việt Nam coi trọng vai trò của Hoa Kỳ trong việc đóng góp vào duy trì môi trường hòa bình ổn định trong khu vực.

 

* Trước đó vào sáng 7/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tham dự hội thảo “Thúc đẩy thịnh vượng: Hợp tác phát triển Hoa Kỳ-Việt Nam” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

 

Tại cuộc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, qua hai thập kỷ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã từng bước tiến từ quan hệ giữa hai cựu thù đến bình thường hóa quan hệ và quan hệ đối tác, hợp tác nhiều mặt, từ đó xác lập quan hệ đối tác toàn diện với mục tiêu vì sự phát triển của hai dân tộc và vì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tin tưởng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang đứng trước triển vọng tốt đẹp, phát triển lên tầm cao mới.

 

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry khẳng định việc hòa giải giữa hai nước đã hoàn thành; việc kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ là minh chứng cho việc những cựu thù trong quá khứ hoàn toàn có thể trở thành đối tác trong hôm nay giữa bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp; điều này không chỉ có ý nghĩa với hai nước mà còn là bài học sâu sắc cho nhiều nước trên thế giới./.